Nêu quan điểm tại Hội thảo khoa học “Những vấn đề lý luận về kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng”, TS. Nguyễn Quốc Văn – Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra khẳng định hiến pháp năm 2013 là bản hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế của nước ta thời kỳ mới, đồng thời đánh dấu bước phát triển mới của lịch sử lập hiến Việt Nam.
Đặc biệt chú trọng về vấn đề tham nhũng, vị lãnh đạo cho biết thời gian qua công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh dựa trên cơ sở của hiến pháp năm 2013 khẳng định quyết tâm của Đảng và Nhà nước được dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ đánh giá cao.
Những kết quả đạt được trong đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực cũng chính là nhằm góp phần thực hiện tốt các yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ nói riêng xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh nói chung.
Quyền lực trong công tác cán bộ luôn có nguy cơ bị tha hóa
Phát biểu tham luận tại Hội thảo khoa học “Những vấn đề lý luận về kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng”, GS.TS. Nguyễn Đăng Dung, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng kiểm soát quyền lực Nhà nước là quy luật khách quan, có cơ sở cho việc phòng chống tham nhũng và phải được quy định trong hiến pháp của mỗi quốc gia.
Theo ông Nguyễn Đăng Dung, thời gian qua công tác phòng chống tham nhũng tại Việt Nam có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Qua đó được cán bộ, bảng viên, nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao, được các tổ chức quốc tế ghi nhận.
Nhưng bên cạnh những kết quả đạt được, công cuộc phòng chống tham nhũng vẫn còn nhiều hình thức tham nhũng mới phát sinh. Trong đó, tham nhũng lớn nhất xuất hiện có thể gọi là tham nhũng chính trị hay còn được gọi chung là lũng đoạn Nhà nước.
Theo đó, ông Dung khẳng định muốn chống tham nhũng thì phải hiểu được tham nhũng là gì. “Cụ thể, tham nhũng cần được nhìn nhận như một bệnh dịch lây nhiễm và phải chống như phương pháp của việc phòng chống bệnh dịch trong y tế”, GS.TS. Nguyễn Đăng Dung nhấn mạnh.
Vị chuyên gia cho rằng vấn đề tham nhũng cần được tiếp cận dưới góc nhìn của bệnh dịch, bởi trong y học bao giờ phòng bệnh cũng hơn là chống bệnh. Tham nhũng cũng có nhiều điểm tương đồng, bởi nếu không phòng mà chỉ chống tham nhũng chỉ gây nên hiện tượng tốn kém và phức tạp hơn.
Ông Dũng phân tích, Nhà nước chắc chắn sẽ xuất hiện vấn đề tham nhũng nếu như không có những biện pháp phòng ngừa hữu hiệu. Vì vậy với một Nhà nước anh minh, dân chủ thì cần có chủ trương chống tham nhũng, việc tổ chức và hoạt động của Nhà nước phải tuân theo nguyên tắc phân quyền.
Theo đó, vị chuyên gia kiến nghị một trong những việc cần phải làm ngay là cắt chức năng của cơ quan quản lý của bộ máy Nhà nước ra khỏi các cơ sở sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, hiến pháp và các văn bản pháp luật phải có vai trò trù liệu trước những hậu quả xấu có thể xảy ra khi con người có quyền lực.
Với tư cách là đạo luật cơ bản của quốc gia, hiến pháp phải có những quy định kiểm soát quyền lực Nhà nước. Sự hiện diện của các quy định này tạo nên yếu tố pháp quyền và chủ nghĩa hiến pháp của mỗi quốc gia mà trọng tâm của sự kiểm soát và phòng chống tham nhũng là sự chịu trách nhiệm của hành pháp và tư pháp độc lập.
“Quyền lực trong công tác cán bộ luôn có nguy cơ bị tha hóa, vì thế, cần phải có cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ để phát huy tác dụng, mang lại giá trị tốt đẹp, tích cực, hạnh phúc cho cá nhân, sự hưng thịnh cho tổ chức, quốc gia, dân tộc.
Đồng thời, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý tổ chức, cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, lộng quyền, không thực hiện đúng đắn, đầy đủ các quyền lực được giao”, ông Dung nêu quan điểm.
Đồng thời, kiểm soát quyền lực Nhà nước để phòng chống tham nhũng không chỉ tập trung ở bên trong mà còn phải được diễn ra ở bên ngoài Nhà nước.
Để làm được điều đó, các cơ quan Nhà nước cần có những hoạt động công khai và minh bạch, đẩy mạnh các quyền được tham gia của người dân thông qua quyền tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin vào hoạt động của Nhà nước.
Song, ông Dung khẳng định phải nhận thức rõ quyền lực Nhà nước là quyền lực của nhân dân thì vấn đề kiểm soát để phục vụ lợi ích của nhân dân mới được đặt ra một cách thiết thực và cấp thiết.
Quyền lực càng cao trách nhiệm càng phải lớn
Trao đổi thêm về vấn đề giới hạn quyền lực Nhà nước, GS.TS. Võ Khánh Vinh – Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học – Xã hội Việt Nam cho rằng giới hạn quyền lực Nhà nước là một trong những vấn đề lý luận và thực tiễn quan trọng của lý luận về quyền lực Nhà nước nói riêng Nhà nước pháp quyền nói chung.
“Phân tích giới hạn quyền lực Nhà nước là để trả lời cho câu hỏi kiểm soát quyền lực Nhà nước được thực hiện dựa vào căn cứ phạm vi giới hạn như thế nào? Hiểu ra làm sao? Bị giới hạn bởi cái gì? Bằng phương thức như thế nào? Và cần phải làm gì để nâng cao hiệu quả kiểm soát lực Nhà nước?”, ông Vinh phân tích.
Theo đó, vị chuyên gia cho biết giới hạn quyền lực Nhà nước được hiểu là phạm vi mức độ quyền lực Nhà nước đã được xác định không thể hoặc không được phép vượt quá. Giới hạn quyền lực Nhà nước tốt, hay quyền lực Nhà nước được giới hạn tốt sẽ là tiền đề căn cứ cho việc tổ chức và thực hiện kiểm soát hiệu quả quyền lực Nhà nước.
Xuất phát từ nhận thức lý luận về giới hạn quyền lực Nhà nước thực tiễn hiện nay, vị chuyên gia cho rằng phương thức giới hạn quyền lực Nhà nước cần được tiến hành theo các hướng sau:
Thứ nhất, giới hạn quyền lực Nhà nước phải dựa vào và sử dụng hiệu quả phương pháp phương thức pháp quyền. Tiếp tục hoàn thiện các thể chế pháp luật thiết chế phương thức tổ chức và vận hành quyền lực Nhà nước nói chung, các loại quyền lực Nhà nước nói riêng.
Thứ hai, tiếp tục phân định rõ hơn sự lãnh đạo của Đảng giới hạn quyền lực Nhà nước quyền làm chủ của nhân dân.
Thứ ba, phân định rõ hơn quyền lực nhân dân và quyền lực Nhà nước theo hướng đề cao hơn các quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân. Thể chế hóa đầy đủ và thực hiện hiệu quả cơ chế nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng dân chủ trực tiếp.
Thứ tư, tiếp tục thể chế hóa cụ thể hóa kịp thời, đầy đủ, toàn diện quan điểm chủ trương của Đảng về quyền con người, các quyền hiến định trong hiến pháp và các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia để hình thành các giới hạn cụ thể về quyền con người đối với quyền lực Nhà nước.
Thứ năm, điều chỉnh lại một cách khoa học hợp lý đúng bản chất các thẩm quyền các quyền giữa các cơ quan thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; thẩm quyền của chủ tịch nước; giữa trung ương và địa phương theo hướng đảm bảo tính liên tục, liên thông, không đứt gãy, không chồng lấn.
Thứ sáu, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước theo hướng dựa vào sự phân định giới hạn quyền lực Nhà nước, để mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế. Lạm dụng quyền lực lợi dụng quyền lực phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm.
“Quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn”, GS.TS. Võ Khánh Vinh nói.
Cuối cùng, cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội trong giám sát kiểm soát lực Nhà nước.