Thị trường thang máy: “Miếng bánh” thuộc về ai? Liên kết, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực thang máy |
Chiều ngày 26/9, Công ty TNHH SPNEX Quốc tế phối hợp với tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm tổ chức buổi họp báo giới thiệu về Triển lãm Thang máy quốc tế Việt Nam 2024.
Họp báo giới thiệu về Triển lãm Thang máy quốc tế Việt Nam 2024. Ảnh: Hoa Quỳnh |
Phát biểu tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Kim Liên – Trưởng Ban tổ chức triển lãm – cho biết, Triển lãm Thang máy quốc tế Việt Nam 2024 có sự tham gia của gần 100 doanh nghiệp trong và ngoài nước, trưng bày, giới thiệu nhiều sản phẩm, như: Thang cuốn các loại, thang máy tự động, linh kiện và bộ phận thang máy; thiết bị lắp đặt và bảo trì thang máy; dịch vụ thang máy như giải pháp phát triển và đổi mới công nghệ, lắp đặt, tư vấn, dịch vụ, thử nghiệm, thiết kế và tư vấn, thiết bị phụ trợ.
Bên cạnh đó, theo bà Nguyễn Thị Kim Liên, trong khuôn khổ triển lãm sẽ diễn ra hội nghị trao đổi và thương mại ngành thang máy. Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh thang máy sẽ trao đổi về xu hướng phát triển của ngành, cũng như xu hướng đổi mới công nghệ và cơ hội hợp tác kinh doanh, phát triển thị trường…
“Thông qua triển lãm, Ban tổ chức kỳ vọng tạo cầu nối để các doanh nghiệp, đơn vị tham gia đón đầu xu hướng công nghệ mới nhất trong ngành thang máy; đây cũng là cơ hội để các đơn vị xây dựng phát triển các mối quan hệ kinh doanh, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đóng góp cho sự phát triển bền vững của Việt Nam“- bà Liên nhấn mạnh.
Thời gian qua, kinh tế Việt Nam đã có bước phát triển nhanh chóng và ổn định. Đặc biệt, ông Trịnh Minh Anh – Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế – cho biết, hiện Việt Nam đã và đang tham gia 19 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 16 FTA có hiệu lực, 3 FTA đang đàm phán. “Các FTA đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn (200% GDP), tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng tiếp cận và thiết lập quan hệ thương mại và đưa hàng hoá Việt Nam có mặt với hơn 230 thị trường“, ông Trịnh Minh Anh cho hay.
Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế cho rằng, nếu tiếp tục đà tăng trưởng thì đến năm 2038, quy mô GDP của Việt Nam dự kiến đạt…1.559 tỷ USD, kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua các nước khác trong khu vực và lọt vào nhóm 35 nền kinh tế hàng đầu trên thế giới. Theo đó, những con số nền tảng trên là cơ sở cơ bản để Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài trong đó có ngành thang máy.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch đầu tư xây dựng 1 triệu nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030. Đề án hiện đang triển khai mạnh mẽ nhiều đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng kéo theo nhu cầu về thang máy cũng tăng cao, thu hút đầu tư vào ngành thang máy rất lớn. “Ngoài ra, nhiều dự án bất động sản, khu chung cư, đô thị khác cũng đang được triển khai và điều này cho thấy tiềm năng đầu tư, phát triển rất lớn đối với thị trường thang máy”, ông Trịnh Minh Anh đánh giá.
Cơ hội kinh doanh ngành thang máy đang nhiều dư địa phát triển. Ảnh: MH |
Theo Hiệp hội Thang máy Việt Nam, hiện có gần 300 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thang máy. Các thương hiệu thang máy hàng đầu thế giới cũng đã xuất hiện tại Việt Nam. Như vậy, ông Trịnh Minh Anh cho hay, việc tổ chức Triển lãm Thang máy quốc tế Việt Nam sẽ là cầu nối giữa nhà sản xuất, nhà cung cấp, đơn vị kinh doanh, đầu tư thang máy trong và ngoài nước. Thông qua đó, các doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể tăng cường hợp tác, đưa thị trường thang máy phát triển, đạt được con số tăng trưởng tích cực thời gian tới.
Tại buổi họp báo Triển lãm Thang máy quốc tế Việt Nam, đại diện Bộ Thương mại Trung Quốc cũng chia sẻ, Việt Nam – Trung Quốc có mối quan hệ hữu nghị lâu đời, quan hệ song phương ngày càng phát triển mạnh mẽ; hợp tác kinh tế, thương mại đạt nhiều kết quả tốt đẹp, các sản phẩm nông sản Việt Nam chất lượng cao tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc lớn; ở chiều ngược lại các nguyên vật liệu, máy móc từ Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam góp phần hỗ trợ cho sự phát triển ngành chế tạo, nâng cao năng lực sản xuất của Việt Nam.
Đặc biệt, theo đại diện Bộ Thương mại Trung Quốc, với sự phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng, đô thị hoá nhanh chóng… nhu cầu thang máy tại Việt Nam ngày càng tăng. Trong khi đó, dưới sự thúc đẩy của công nghệ, các sản phẩm thang máy của Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng, xuất hiện nhiều doanh nghiệp… cung cấp, đáp ứng sản phẩm, dịch vụ cho thị trường… Vì vậy, hợp tác trong lĩnh vực thang máy Việt Nam – Trung Quốc còn nhiều dư địa phát triển.
Nhằm thúc đẩy hợp tác kinh doanh trong ngành thang máy, Bộ Thương mại Trung Quốc sẽ tổ chức đoàn doanh nghiệp tham gia triển lãm. Đến nay, đã có hơn 60 doanh nghiệp quan tâm đến sự kiện giao thương trong lĩnh vực thang máy này tại Việt Nam, cũng như các sự kiện gặp gỡ trao đổi với doanh nghiệp thang máy Việt Nam. “Tin rằng, triển lãm tạo ra sân chơi chuyên nghiệp để doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc trong ngành thang máy trao đổi công nghệ, tìm kiếm cơ hội kinh doanh, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Trung Quốc”, đại diện Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh.
Nguồn: https://congthuong.vn/trien-lam-thang-may-quoc-te-viet-nam-2024-quy-tu-gan-100-doanh-nghiep-tham-gia-giao-thuong-348591.html