Vì vậy việc lệch điểm, sự may rủi của thí sinh trong khâu chấm thi môn văn có thể vẫn xảy ra. Điều này được xem như… “học tài, thi phận”!
Quy trình chấm thi tự luận
Mỗi địa phương (tỉnh, thành phố) là một hội đồng thi. Mỗi hội đồng gồm nhiều điểm thi và mỗi điểm thi gồm nhiều phòng. Trước khi chấm, bài làm của thí sinh được hội đồng chấm làm phách. Đó là cách xáo trộn bài của nhiều phòng (thường là 5 phòng) thành một bó, rồi tách ra thành nhiều túi theo số hoán vị riêng. Khâu này giúp cho việc bảo mật bài của thí sinh rất cao, vì đã xáo trộn số phòng so với ban đầu.
Quy trình chấm thi môn văn rất chặt chẽ. Bài thi khi được sắp xếp lại được 2 giám khảo bố trí chấm theo 2 vòng độc lập. Thường thì trong những buổi đầu, nhiều giám khảo chấm chưa đều tay nên dễ lệch điểm. Nhưng sau khi đã quen với đáp án, và việc góp ý từ khâu chấm kiểm tra (yêu cầu chấm kiểm tra phải đạt 5% tổng số bài chấm của mỗi hội đồng) nên việc chấm hạn chế điểm lệch.
Đề văn bị chê “thiếu sáng tạo, trùng lặp”, Trưởng ban đề thi tốt nghiệp nói gì?
Với đặc thù của môn văn, nếu điểm lệch từ 0,25 – 0,75 thì 2 giám khảo tự xử lý trên bài chấm. Nếu lệch từ 1,0 – 1,5 điểm, 2 giám khảo phải có biên bản thống nhất kèm theo phiếu chấm. Bài lệch từ 1,75 trở lên phải được giám khảo chấm lần 3. Việc chấm vòng 3 cũng độc lập. Sau khi có 3 kết quả chấm của 3 giám khảo, cách tính điểm như sau: nếu giám khảo 3 trùng điểm với một trong 2 giám khảo kia sẽ lấy điểm trùng đó; nếu cả 3 giám khảo lệch nhau, sẽ lấy điểm trung bình cộng và làm tròn đến 2 số thập phân. Các bài từ 1 điểm trở xuống (điểm liệt) và điểm từ 9 trở lên, giám khảo phải thật cân nhắc khi cho điểm. Vì những bài này phải có sự xem xét, thống nhất của tổ chấm.
Trong những năm gần đây, việc chấm thi môn văn đã đồng bộ hơn rất nhiều bởi vì đáp án, hướng dẫn chấm và phiếu chấm khá chi tiết, bài bản. Việc thanh kiểm tra và nội quy hội đồng chấm cũng nghiêm ngặt hơn, trách nhiệm của giám khảo cũng được ý thức đề cao rất rõ.
Có còn may rủi?
Tuy vậy, vẫn còn may rủi nếu các hội đồng chấm không đồng bộ theo hướng dẫn chấm chung của Bộ GD-ĐT.
Chỉ cần người phụ trách hội đồng chấm “có nhã ý” với giám khảo “chấm thoáng một chút” là sẽ lệch điểm giữa địa phương này với địa phương kia. Điều này đòi hỏi thanh tra của Bộ GD-ĐT phải kịp thời kiểm tra, điều chỉnh.
Tốc độ chấm nhanh chậm của từng tổ, từng hội đồng (một phần do bố trí số lượng giám khảo chấm) cũng làm ảnh hưởng đến lệch điểm. Sự hối thúc cho xong việc, cho đạt số lượng chỉ tiêu số bài chấm cũng khiến giám khảo phải tăng tốc, dễ đọc lướt, chấm lệch.
Nếu 2 giám khảo chấm thoáng thì khi thống nhất, thí sinh dễ được lợi. Nếu có một trong hai giám khảo chấm chặt tay và giám khảo kia chấm thoáng thì bài làm còn có chút hài hòa, ít lệch. Rủi nhất là những bài làm của thí sinh gặp hai giám khảo chấm quá chặt tay. Với môn văn thì tình huống này khá nhiều vì đặc trưng của nó là như thế.