Ngày 17/4, Học viện Ngân hàng – Phân viện Phú Yên và hơn 60 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên toàn quốc phối hợp tổ chức buổi tọa đàm chủ đề: “Giải pháp chuyển đổi số đối với QTDND”.
Quá trình chuyển đổi số tại các QTDND hiện nay vẫn diễn ra khá chậm so với các mô hình TCTD khác. |
Tại buổi tọa đàm này, nhiều QTDND đã bày tỏ quan điểm mong muốn có một ứng dụng giao dịch trực tuyến tự động (tương tự như các App di động của hệ thống NHTM nhưng quy mô nhỏ và đơn giản hơn) để thúc đẩy chuyển đổi số hoạt động ở các quỹ.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Phó giám đốc QTDND Phường 2, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng cho rằng, hiện nay nhu cầu của khách hàng, thành viên của các quỹ đối với việc sử dụng các hình thức thanh toán trực tuyến, giao dịch vay vốn, gửi tiết kiệm trực tuyến là rất lớn. Tuy nhiên, hầu hết các giao dịch của quỹ Phường 2, TP. Bảo Lộc đều phải làm thủ công. Vì thế quỹ rất mong muốn triển khai phối hợp với các đơn vị cung cấp để hình thành các App di động tăng trải nghiệm khách hàng và tăng hiệu quả các hoạt động huy động, cho vay.
Bà Nguyễn Thị Bích Thi, đại diện QTDND Ninh Hòa, Khánh Hòa cho biết, hơn hai năm vừa qua, quỹ này đã ấp ủ ý tưởng và tập trung mọi nguồn lực để xây dựng App trực tuyến. Đơn vị đã liên hệ với hàng chục đối tác là các nhà cung cấp phần mềm công nghệ để trao đổi, tư vấn quy trình. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất là kinh phí để đầu tư các App quá lớn so với khả năng và quy mô của QTDND. Thông thường giá để xây dựng một App riêng cho QTDND được các nhà cung cấp công nghệ báo giá dao động từ 150 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng. “Một số đơn vị, tập đoàn lớn như FPT mức giá có thể lên đến 1 triệu USD. Mức này nếu một QTDND thì không thể kham nổi”- bà Thi nhận định.
Đại diện QTDND Đông Sài Gòn thông tin, hiện quỹ này đã bắt đầu xây dựng bước đầu một App riêng để chuyển đổi hình thức giao dịch từ trực tiếp sang trực tuyến. Nhưng khó khăn lớn là thay đổi thói quen của thành viên và chi phí để thay đổi corebanking. Thời gian qua, QTDND Đông Sài Gòn đã có kiến nghị với Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co.op Bank), đề xuất chia sẻ corebanking để hỗ trợ các QTDND xây dựng App trực tuyến, nhưng chưa có phản hồi. Vì rất các QTDND mong Co.op Bank xem xét các đề nghị của các quỹ thành viên, từ đó hỗ trợ tích cực hơn giúp các quỹ chuyển đổi số.
Từ phía DN cung cấp các phần mềm và ứng dụng trực tuyến, ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc công ty iSEAS cho rằng, nhu cầu của các QTDND đối với việc xây dựng các App trực tuyến là rất lớn. Tuy nhiên, để các quỹ có thể làm được việc này, cần có lộ trình và hỗ trợ tích cực từ Co.op Bank, ngành Ngân hàng các địa phương và các đối tác công nghệ.
Theo ông Tùng, với tiềm lực công nghệ và kết nối như hiện nay, các nhà cung cấp như iSEAS hoàn toàn có thể làm được một App dùng chung cho toàn bộ hệ thống QTDND tại Việt Nam. Trên đó có đầy đủ các tính năng như: kết nối tự động với phần mềm quản lý hoạt động của các quỹ, cung cấp thông tin về lãi suất huy động – cho vay; tra cứu thông tin khoản vay và tiền gửi; thanh toán gốc và lãi; cho phép gửi tiết kiệm online…
Ông Tùng cho rằng, khi xây dựng xong app dùng chung này, các QTDND có thể tham gia đăng ký thành viên, mở tài khoản trên app để tiến hành các giao dịch với khách hàng. App chung sẽ hoạt động như một nền tảng flatform có tính bảo mật cao và chi phí sẽ được chia sẻ theo từng cấp độ tùy theo quy mô và mức độ sử dụng của từng QTDND vì thế sẽ rất tiết kiệm đầu tư ban đầu cho các quỹ. Tuy nhiên, để làm được việc này, đơn vị cung cấp công nghệ cần kết nối với các đầu mối NHTM, các trung gian thanh toán và các địa phương, cơ quan liên quan. Từ đó, hoàn thiện các pháp lý mới có thể làm việc trực tiếp với từng QTDND để phối hợp thực hiện.