Nhiều doanh nghiệp Việt chỉ chăm chăm vào phát triển tài chính và gom lợi nhuận, mà lơ là về ESG (môi trường – xã hội – quản trị). Để hút vốn, đặc biệt được lòng nhà đầu tư ngoại, bên cạnh ‘giỏi’ kiếm tiền, doanh nghiệp cũng cần phải ‘ngoan’.
Diễn đàn “Đầu tư vào quản trị công ty: Chiến lược thu hút nhà đầu tư có trách nhiệm trong xu thế quốc tế hóa thị trường” vừa được Viện Thành viên hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) tổ chức vào hôm nay 5-12.
Quỹ ngoại chuyển dòng vốn vào doanh nghiệp Việt biết nâng cao quản trị công ty
“Hiện nay các nhà đầu tư, đặc biệt quỹ đầu tư quốc tế, đang tập trung dịch chuyển khoản đầu tư bền vững vào những doanh nghiệp thực thi quản trị công ty gắn với đo lường mức độ tác động bền vững vào môi trường – xã hội (ESG).
Đó cũng là nền tảng tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp, khi thực hiện chiến lược phát triển bền vững”, ông Hoàng Văn Thu – phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước – chia sẻ tại diễn đàn.
Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Văn Dũng – phó chủ tịch UBND TP.HCM – cho rằng 2024 là năm TP vượt lên những khó khăn và thách thức, hết sức phấn đấu, phục hồi kinh tế xã hội. Tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt khoảng 7,17%, tổng thu ngân sách đạt hơn 502.000 tỉ đồng (+12% so với năm trước, đóng góp 27% vào cơ cấu cả nước).
Tin vui, mới đây Bộ Chính trị đã đồng ý thành lập Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP. Việc nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, đóng góp hơn nữa vào sự phát triển theo chiều sâu và bền vững của cả nước nói chung, cũng thúc đẩy TP phát triển vững chắc trên con đường trở thành trung tâm tài chính quốc tế.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để thu hút đầu tư nước ngoài. Triển khai sản phẩm dịch vụ mới, áp dụng thông lệ tốt nhất của thế giới, sẽ giúp phát huy cao nhất vai trò kênh huy động vốn trong nền kinh tế.
Kinh tế trưởng của Quỹ VinaCapital – ông Michael Kokalari nhận định giữa bối cảnh bủa vây căng thẳng địa chính trị và bất ổn kinh tế toàn cầu, nhà đầu tư quốc tế ngày càng ưu tiên lựa chọn những thị trường có nền tảng pháp lý vững chắc, môi trường kinh doanh minh bạch và ổn định.
Muốn nhận tiền đầu tư, phải “giỏi và ngoan”
Đại diện doanh nghiệp lớn trong ngành chứng khoán, ông Trịnh Hoài Giang – tổng giám đốc HSC – cho biết trong quá trình gọi vốn, phía doanh nghiệp niêm yết thường ít bị nhà đầu tư ngoại hỏi nhiều về tình hình tài chính, mà lại đi sâu vào các khoản phi tài chính.
Họ tìm hiểu về cách công ty quản trị rủi ro, quy hoạch, quản lý xung đột lợi ích… Có góc nhìn toàn diện về môi trường và trách nhiệm xã hội, hay chỉ khư khư lợi ích bản thân.
Những thương vụ thành công, đạt giá cao, thường rơi vào các công ty có khả năng quản trị tốt, trong đó có ngân hàng niêm yết, trường học, bệnh viện tư nhân tại Việt Nam…
“Muốn thu hút vốn đầu tư lớn, doanh nghiệp phải “giỏi và ngoan”, tức tăng trưởng phát triển và đạt chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị) bền vững”, ông Trịnh Hoài Giang cho hay.
Dù vậy, ông Lê Ngọc Lâm – ủy viên hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc BIDV – thẳng thắn, hiện nhiều doanh nghiệp Việt gặp thách thức trong quá trình quản trị xanh – bền vững. Do các quy định xanh ngày càng chặt chẽ, thiếu nguồn lực hỗ trợ cho chuyển đổi xanh, nhận thức và năng lực về ESG còn chưa cao…
Theo bà Nguyễn Thúy Hạnh – tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, Tập đoàn Standard Chartered đã có 160 năm phát triển trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, bà Hạnh cho rằng chưa có khung pháp lý thống nhất về danh mục phân loại ESG để doanh nghiệp đi theo. Cùng báo cáo về Ngân hàng Nhà nước, nhưng nhiều bên lại theo các chuẩn khác nhau. Cần rõ ràng hơn, có thể vận dụng khung sẵn có của EU.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Trà My – phó chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tập đoàn PAN – cho biết hiện tập đoàn có hơn 11.000 nhân sự, hơn 10 công ty con. Bà khẳng định quản trị công ty tốt là giải pháp sống còn. Không chỉ quản trị rủi ro, còn phải đổi mới sáng tạo. Điển hình như nỗ lực tìm ra giống lúa chịu mặn, chịu ngập, chịu nóng…
Còn ông Vũ Quang Thịnh – tổng giám đốc thuộc Quỹ Dynam Capital – cho hay nếu trước đây nhà đầu tư chỉ quan tâm đến tài chính và lợi nhuận của doanh nghiệp, thì bây giờ quan tâm rất nhiều vào ESG. Trong đó, “G” đại diện cho tính minh bạch, trách nhiệm.
“Nỗi sợ hãi lớn nhất của nhà đầu tư là mất tiền”, ông Thịnh nói. Vì vậy phải xây dựng niềm tin, cải thiện năng lực quản trị công ty.
Nguồn: https://tuoitre.vn/quy-ngoai-muon-rot-von-lon-vao-doanh-nghiep-viet-gioi-va-ngoan-20241205170844537.htm