Đầu tư phát triển tăng trưởng tích cực. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Cục Thống kê, Bộ Tài chính thông tin: Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I/2025 theo giá hiện hành ước đạt 666,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn khu vực Nhà nước ước đạt 184,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 27,7% tổng vốn đầu tư và tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 361,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 54,2%, tăng 5,5%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 120,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 18,1% và tăng 9,3%.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 31/3/2025 đạt 10,98 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước. Số vốn này bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.
Vốn đăng ký cấp mới có 850 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 4,33 tỷ USD, tăng 11,5% về số dự án và giảm 31,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 2,62 tỷ USD, chiếm 60,5% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,13 tỷ USD, chiếm 26,1%; các ngành còn lại đạt 581,5 triệu USD, chiếm 13,4%.
Vốn đăng ký điều chỉnh có 401 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 5,16 tỷ USD, gấp 5 lần so cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 810 lượt với tổng giá trị góp vốn 1,49 tỷ USD, tăng 83,7% so cùng kỳ năm trước.
Cục Thống kê, Bộ Tài chính công bố số liệu về Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I/2025.
Bà Phí Thị Phương Nga, Trưởng Ban Thống kê Công nghiệp và xây dựng, Cục Thống kê, Bộ Tài chính cho biết: Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tăng 34,7%, cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm thu hút đầu tư hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư đang thực hiện sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Trong số 53 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2025, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 1,32 tỷ USD, chiếm 30,5% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc 1,23 tỷ USD, chiếm 28,5%; Đài Loan (Trung Quốc) 368,1 triệu USD, chiếm 8,5%; Nhật Bản 341,8 triệu USD, chiếm 7,9%; Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) 310,2 triệu USD, chiếm 7,2%; Quần đảo Virgin thuộc Anh 190,7 triệu USD, chiếm 4,4%;
Bà Phí Thị Phương Nga cho biết thêm, 10 địa phương thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam, thu hút tới 75,8% số dự án mới và 83,8% số vốn cả nước, trong đó Hà Nam là tỉnh có sự tăng trưởng mạnh trong thu hút đầu tư nước ngoài. Bà Nga nhận định, các tỉnh, thành phố thu hút đầu tư tốt trong thời gian có chung đặc điểm là cơ sở hạ tầng tốt, công tác xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh, và có nhiều nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ba tháng đầu năm 2025 ước đạt 4,96 tỷ USD, tăng 7,2% so cùng kỳ năm trước. Đây là chỉ số cho thấy hoạt động đầu tư đã và đang được triển khai cao nhất của 3 tháng đầu năm trong 5 năm qua.
Trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 4,05 tỷ USD, chiếm 81,7% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 387,7 triệu USD, chiếm 7,8%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 193,3 triệu USD, chiếm 3,9%.
Để tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) mạnh mẽ vào Việt Nam, bà Phí Thị Phương Nga khuyến nghị: Cần tiếp tục ổn định chính sách vĩ mô, cải cách thủ tục hành chính, thủ tục hải quan tiến tới thực hiện cơ chế một cửa để kịp thời giải quyết các vướng mắc nhà đầu tư gặp phải, giúp cho môi trường đầu tư ổn định, thông thoáng, rủi ro thấp.
Đồng thời cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu đối với các ngành công nghiệp chất lượng cao, đẩy nhanh phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ để có dịch vụ giao thông, logistics thuận tiện hơn. Cuối cùng là tăng cường ưu đãi tập trung chọn lọc các ngành công nghiệp có giá trị cao và mang tính bền vững - bà Phí Thị Phương Nga bổ sung thêm.
Bên cạnh thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thì trong 3 tháng đầu năm 2025 Việt Nam có 30 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài với tổng số vốn của phía Việt Nam là 233,6 triệu USD, gấp 9,4 lần cùng kỳ năm trước; có 5 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 5,4 triệu USD, gấp 24,3 lần.
Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) gần 239 triệu USD, gấp 9,5 lần cùng kỳ năm trước. Trong đó: Sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 111,2 triệu USD, chiếm 46,5% tổng vốn đầu tư; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 65,6 triệu USD, chiếm 27,4%; khai khoáng đạt 41 triệu USD; chiếm 17,1%.
Trong 3 tháng đầu năm 2025 có 22 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó: Lào là nước dẫn đầu với 139,7 triệu USD, chiếm 58,4% tổng vốn đầu tư; Philippines 34,2 triệu USD, chiếm 14,3%; Indonesia 31,1 triệu USD, chiếm 13%; quần đảo Virgin thuộc Anh đạt 21,0 triệu USD, chiếm 8,8%; Cuba 4,0 triệu USD, chiếm 1,7%.
Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/quy-i-2025-linh-vuc-dau-tu-tang-truong-tich-cuc-209797.html
Bình luận (0)