Sáng 11/10, tại TP. Đà Nẵng diễn ra Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ lần thứ 2 với chủ đề Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng chủ trì hội nghị. Đồng chủ trì có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nguyễn Chí Dũng, đại diện cơ quan lập quy hoạch vùng.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bước cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, thể hiện những định hướng lớn và cơ bản của các quy hoạch ngành quốc gia về tổ chức không gian phát triển.
Để làm được điều đó, quy hoạch cần có cách xác định để lựa chọn các địa phương có điều kiện tự nhiên tương đồng, có thể hỗ trợ và phát huy thế mạnh lẫn nhau. Vì vậy, việc xác định các tiểu vùng là yếu tố quan trọng. Bên cạnh đó, quy hoạch cũng cần xác định thứ tự ưu tiên để quy hoạch lần lượt, ví dụ như ưu tiên các dự án có tính động lực của vùng, tạo ra sự lan tỏa và kết nối thay vì đầu tư dàn trải như hiện nay.
“Lâu nay, chúng ta phát triển các dự án kinh tế – xã hội riêng lẻ của mỗi địa phương thì bây giờ chúng ta ưu tiên các dự án liên địa phương thuộc các tiểu vùng hoặc cả vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Hội nghị cũng sẽ tập trung giải quyết những vấn đề còn vướng mắc hiện nay của vùng, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và về lâu dài có thể giúp cho vùng có thể thích ứng một cách bền vững và phát triển một cách mạnh mẽ hơn” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị các thành viên, ủy viên của Hội đồng điều phối vùng, các cơ quan, tổ chức liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học cho ý kiến đối với bản dự thảo Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tập trung vào các nội dung: Mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm cần phải giải quyết và các khâu đột phá của vùng; Việc phân thành 3 tiểu vùng để thực hiện các phương án phát triển các ngành, lĩnh vực đã phù hợp hay chưa; Phương hướng phát triển kết cấu hạ tầng của vùng, trong đó trọng tâm là kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và đường sắt, hàng không và hàng hải; các đề xuất về phát triển các khu chức năng trong vùng với hệ thống khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và khu du lịch.
Ngoài ra, các địa phương cũng cho ý kiến về phương hướng phát triển đô thị với mục tiêu đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hoá, hình thành ba tiểu vùng đô thị và đưa thêm 2 tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; Giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch, trong đó lưu ý về danh mục dự án liên kết vùng ưu tiên đầu tư thời kỳ lời giải pháp về cơ chế, chính sách đảm bảo liên kết vùng đồ tạo hiệu quả trong hợp tác phát triển vùng để phát triển vùng nhanh và bền vững…. Trên cơ sở đó, Bộ KH&ĐT sẽ tập trung nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch vùng để trình thẩm định, phê duyệt theo quy định.
Nêu ý kiến tại Hội nghị, các đại biểu cơ bản đều thống nhất với việc hình thành tiểu vùng đô thị vì đặc điểm địa hình của khu vực Duyên hải Nam Trung bộ dài và hẹp, đa dạng về điều kiện tự nhiên nên việc liên vùng để phát triển là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, đơn vị tư vấn phải có sự phân tích cụ thể đặc điểm của từng tiểu vùng mà trong báo cáo tư vấn chưa nêu rõ ưu tiên phát triển, nhất là về hạ tầng, du lịch vốn là những thế mạnh của vùng.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, quy hoạch sẽ tạo động lực phát triển nếu được định hướng đúng và đủ nhưng ngược lại kìm hãm sự phát triển nếu làm vội vàng. Tuy nhiên, theo ông Thanh dự thảo quy hoạch này chưa nêu bật được những đột phát để thu hút được các nguồn lực cho vùng. Ví dụ, tại Quảng Nam đã hình thành khu công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô và các ngành phụ trợ liên quan nhưng quy hoạch không nêu rõ định hướng phát triển, liên kết thế nào, tính lan tỏa tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu để tạo được đột phá vùng thì không đề cập rõ.
Liên quan đến đề xuất của tư vấn hình thành một Khu xử lý rác thải của vùng đặt tại một địa phương, đa số các địa phương đều bày tỏ quan điểm phản đối vì không phù hợp, nguy cơ xảy ra sự cố liên vùng rất lớn. Theo ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, vấn đề liên vùng chúng tôi rất đồng tình. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của Quảng Nam đã từng phải xử lý sự cố về rác thải thì quan điểm địa phương trong vấn đề xử lý rác thải phải được thực hiện phân tán. Mỗi địa phương phải chủ động xây dựng cho mình khu xử lúy chất thải phù hợp với đặc điểm, nhu cầu với từng giai đoạn và công nghệ hiện đại. Bởi nếu hình thành Khu xử lý rác thải vùng khi xảy ra sự cố thì sẽ kéo theo hàng loạt địa phương bị ảnh hưởng.
Đối với dự thảo quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho rằng, để hoàn thành quy hoạch vùng phải lấy ý kiến của 28 Bộ ngành Trung ương và các địa phương trong quy hoạch. Nếu quy hoạch không cập nhật quy hoạch tỉnh thì khi quy hoạch vùng được phê duyệt, quy hoạch tỉnh – quy hoạch cấp thấp hơn phải điều chỉnh lại. Lúc đó tỉnh lại quay lại điều chỉnh thì rất mất thời gian.
“Đề nghị đơn vị tư vấn cập nhật đầy đủ quy hoạch tỉnh đã và đang chờ phê duyệt”, ông Minh nói.
Bên cạnh đó, theo ông Minh rất nhiều vấn đề, nội dung cốt lõi của Nghị quyết 26 Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ”.
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận các ý kiến thẳng thắn, cụ thể cũng như những kiến nghị về cơ chế, chính sách, ưu tiên đầu tư phát triển cho từng địa phương, vùng và tiểu vùng cả trước mắt và lâu dài.
Theo Phó Thủ tướng, quy hoạch vùng không phải là phép cộng của các tỉnh mà phải đưa ra những mang tính phương pháp luận một cách rõ ràng, nêu bật được tầm quan trọng của vùng. Quy hoạch vùng phải lựa chọn những vấn đề các địa phương trong vùng quan tâm, lựa chọn. Đồng thời, quy hoạch cần xác định rõ nhiệm vụ trước mắt lâu dài, linh hoạt và sáng tạo, tạo ra sự phát triển, không gian sáng tạo, kết nối giữa các địa phương, cả vùng và liên vùng. Các tiêu chí để quy hoạch vùng cần dựa trên cơ sở quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch các địa phương
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, đây là vùng trọng yếu do vậy kinh tế là ưu tiên nhưng vấn đề quốc phòng – an ninh cũng cần được quan tâm. Đề nghị các địa phương tiếp tục nghiên cứu, đơn vị tư vấn tiếp thu để hoàn thiện Dự thảo Quy hoạch vùng, tạo sự phát triển bền vững và mạnh mẽ hơn.