Quyết định do Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký ngày 3-7.
Lấy sông Đồng Nai, sân bay làm động lực mới để phát triển
Theo đồ án quy hoạch được phê duyệt, mục tiêu đến năm 2030, Đồng Nai trở thành tỉnh phát triển văn minh, hiện đại, tốc độ tăng trưởng cao, vượt qua ngưỡng thu nhập cao trong nhóm đầu của cả nước.
GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 14.650 USD. Quy mô dân số đạt khoảng 4 – 4,2 triệu người.
Đến năm 2050, Đồng Nai phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đi đầu trong phát triển công nghiệp công nghệ cao, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thông minh, hiện đại; lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm và hoàn thành mục tiêu phát thải ròng bằng không…
Quy hoạch cũng yêu cầu lấy sân bay Long Thành, sông Đồng Nai làm động lực mới cho phát triển đột phá. Thu hút đầu tư có chọn lọc, có trọng tâm, trọng điểm…
Đồng thời chú ý đến việc phát huy nhân tố con người, thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học đến sinh sống và làm việc tại Đồng Nai.
Liên kết đường bộ, đường sắt với các tỉnh thành
Trong đồ án quy hoạch được duyệt, Chính phủ đồng ý cho Đồng Nai lấy công nghiệp hàng không, công nghệ cao, công nghiệp chuyên sâu và dịch vụ chất lượng cao, đổi mới sáng tạo, tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu làm phương hướng chủ đạo.
Từng bước liên kết các đô thị lớn qua không gian ngầm gắn với phát triển các loại hình chức năng thương mại – dịch vụ, đô thị. Phát triển các dịch vụ tài chính, logistics…
Trong đó, việc phát triển hạ tầng ở Đồng Nai được xây dựng trên cơ sở phát triển 6 hành lang và 3 vành đai.
Cụ thể: hành lang sông Đồng Nai; hành lang cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và quốc lộ 51; hành lang cao tốc TP.HCM – Long Thành – Phan Thiết; hành lang quốc lộ 1 và đường sắt Bắc – Nam; hành lang quốc lộ 20 và cao tốc Dầu Giây – Tân Phú; hành lang cao tốc Bến Lức – Long Thành. Tận dụng 3 vành đai gồm: vành đai 4 vùng thành phố Hồ Chí Minh; vành đai quốc lộ 56 – đường tỉnh 762; vành đai liên kết Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu.
Thêm nhiều tuyến đường sắt
Cũng theo đồ án quy hoạch được duyệt, trước năm 2030, Đồng Nai sẽ kết nối tuyến đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên đến huyện Trảng Bom. Sau năm 2030, xây dựng các tuyến đường sắt đô thị như tuyến đường sắt đô thị trung tâm hành chính mới – sân bay Biên Hòa; tuyến đường sắt đô thị Biên Hòa – Nhơn Trạch – Long Thành; tuyến đường sắt đô thị Biên Hòa – Trảng Bom – Long Khánh; tuyến đường sắt đô thị Long Khánh – Cẩm Mỹ – Long Thành; tuyến đường sắt đô thị sân bay Biên Hòa – sông Đồng Nai (kết nối đến tỉnh Bình Dương).
Đối với đường sắt kết nối vùng, Đồng Nai thực hiện theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cụ thể, nâng cấp tuyến đường sắt Bắc – Nam; đầu tư xây mới tuyến Biên Hòa – Vũng Tàu, TP.HCM – Nha Trang; tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – sân bay Long Thành. Đồng thời nghiên cứu, đầu tư mới tuyến đường sắt kết nối từ đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu đến cảng Phước An.
Nguồn: https://tuoitre.vn/quy-hoach-tinh-dong-nai-tan-dung-san-bay-long-thanh-de-phat-trien-20240703231226491.htm