Ông Arnaud Ginolin – thành viên Hội đồng Thành viên, lãnh đạo khối Tư vấn Chính sách công và khối ngành Công nghiệp BCG Việt Nam – đơn vị tư vấn lập Quy hoạch tỉnh chia sẻ những mục tiêu, định hướng các ngành kinh tế trọng điểm, tạo bứt phá của Hà Tĩnh.
Ông Arnaud Ginolin – thành viên Hội đồng Thành viên, lãnh đạo khối Tư vấn Chính sách công và khối ngành Công nghiệp BCG Việt Nam.
P.V: Hà Tĩnh lập Quy hoạch tỉnh trong bối cảnh có những thuận lợi nào, thưa ông?
Ông Arnaud Ginolin: Trong giai đoạn gần đây, bối cảnh quốc tế trên toàn cầu đã có nhiều thay đổi, mang đến cơ hội và những thách thức. Thứ nhất, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng trên toàn cầu diễn ra mạnh mẽ với các nước trong khu vực ASEAN. Trong xu hướng chuyển dịch này, Việt Nam là một trong những đất nước được hưởng lợi lớn.
Thứ hai, biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đang trở thành xu hướng chung toàn cầu. Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét hơn trong cuộc sống. Do đó, các quốc gia, địa phương nhận thức sớm được điều này có thể phát triển kế hoạch ứng phó phù hợp, biến thách thức trở thành cơ hội bứt phá.
Thứ ba, phát triển công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa ngày càng trở nên phổ biến, được áp dụng rộng rãi trong hoạt động phát triển KT-XH. Các quốc gia và địa phương đều đang đứng trước những cơ hội và thách thức để nắm bắt hiệu quả tiềm năng công nghệ này.
Trong quá trình lập quy hoạch, BCG cùng với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và các sở, ban, ngành đã nhận thức rất rõ những xu hướng toàn cầu này. Qua đó, phối hợp nỗ lực tìm giải pháp thực tế giúp tỉnh Hà Tĩnh có thể tận dụng những xu hướng trên làm đòn bẩy phát triển.
Hà Tĩnh là địa phương nằm ở vị trí trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ, nằm trên trục giao thông chiến lược, một trong những cửa ngõ lớn trên trục hành lang kinh tế Đông – Tây trong tiểu vùng sông Mekong, kết nối với Lào và Thái Lan qua quốc lộ 8 và quốc lộ 12; có vị trí thuận lợi nằm trên hành lang các tuyến hàng hải quốc tế qua cụm cảng Vũng Áng – Sơn Dương. Ngoài ra, với môi trường đầu tư hấp dẫn, thân thiện, Hà Tĩnh đã thu hút nhiều dự án của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn vào đầu tư như: sản xuất thép của Formosa, nhà máy sản xuất pin ô tô điện của Vingroup, các nhà máy nhiệt điện… Đây là những điều kiện thuận lợi để Hà Tĩnh phát triển bền vững.
Hà Tĩnh là địa phương có vị trí chiến lược nằm ở trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ.
Qua quá trình làm việc và hợp tác xây dựng Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh, BCG nhận thấy, lãnh đạo tỉnh có tầm nhìn xa, sự am hiểu cặn kẽ về những điểm mạnh, cũng như những khó khăn tỉnh đang gặp phải. Từ đó cùng với các chuyên gia quốc tế của BCG có những thảo luận sâu sắc nhằm đưa ra tầm nhìn và mục tiêu cho tỉnh.
Ngoài ra, các sở, ngành và các địa phương rất tích cực và sát sao trong công việc, phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn trong suốt quá trình thực hiện quy hoạch. Với những hành động quyết liệt và hợp tác hiệu quả từ các cấp, Hà Tĩnh là địa phương thứ 2 trên toàn quốc được phê duyệt Quy hoạch tỉnh.
P.V: Theo ông, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được lập và phê duyệt có ý nghĩa như thế nào với chiến lược phát triển của Hà Tĩnh?
Ông Arnaud Ginolin: Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được lập phù hợp với định hướng, tầm nhìn phát triển đất nước, tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển KT-XH của cả nước, Quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng.
Quy hoạch tỉnh đóng vai trò như một bản thiết kế toàn diện, tổng quan nhằm xác định tầm nhìn và mục tiêu dài hạn cho từng ngành, từng vùng và sự phát triển chung của tỉnh; giúp Hà Tĩnh nhận rõ tiềm năng, thế mạnh để tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện. Bằng việc đặt ra những mục tiêu rõ ràng và các khung chiến lược định hướng, quy hoạch đảm bảo các quyết định mang tính liên tục và nhất quán, ngay cả khi có sự thay đổi trong bộ máy chính quyền các cấp.
Bên cạnh đó, quy hoạch giúp xác định các dự án được phát triển phù hợp với tầm nhìn toàn diện của tỉnh, tránh các hoạt động ngoài dự đoán và thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và đoàn công tác của Đại sứ quán nước Cộng hòa Singapore tại Việt Nam khảo sát khu vực dự kiến đầu tư của Tập đoàn VSIP tại huyện Thạch Hà. (Ảnh chụp tháng 12/2022).
Quy hoạch có tác động quan trọng đối với nền kinh tế của tỉnh, thông qua xác định các khu vực thích hợp cho hoạt động thương mại và công nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế và thu hút đầu tư. Hơn nữa, quy hoạch tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào Hà Tĩnh, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm cho lao động, nâng cao sự phồn thịnh kinh tế chung của tỉnh.
Ngoài ra, quy hoạch cũng nhấn mạnh nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng; xác định các khu vực cần phát triển mạng lưới hệ thống cầu đường, giao thông công cộng; đồng thời cân nhắc các yếu tố về môi trường và phát triển bền vững.
P.V: Ông có thể phân tích tính khả thi của các mục tiêu và những giải pháp chiến lược đối với 4 ngành kinh tế trọng điểm tạo đột phá phát triển của Hà Tĩnh?
Ông Arnaud Ginolin: Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh đặt mục tiêu xây dựng Hà Tĩnh trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao nhất cả nước; phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, QP-AN, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại ổn định, bền vững.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt trên 9%/năm. Cơ cấu kinh tế: nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 7,9%; công nghiệp – xây dựng chiếm khoảng 60,3%; dịch vụ chiếm khoảng 26,6% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm khoảng 5,14%. Đây là những mục tiêu, chỉ tiêu được tính toán dựa trên tình hình thực tế của Hà Tĩnh thời gian qua và những động lực tăng trưởng của tỉnh.
Quy hoạch tỉnh xác định 4 ngành kinh tế trọng điểm tạo đột phá phát triển cho Hà Tĩnh.
Theo đó, các định hướng lớn tạo đột phá phát triển được xác định gồm 4 ngành kinh tế trọng điểm, 3 trung tâm đô thị, 3 hành lang kinh tế và 1 trung tâm động lực tăng trưởng.
Trong 4 ngành kinh tế trọng điểm mà Quy hoạch tỉnh đã xác định (công nghiệp luyện thép, công nghiệp hỗ trợ, chế tạo sau thép và sản xuất điện; nông, lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ logistics; du lịch), đối với ngành công nghiệp luyện thép, Hà Tĩnh cần tiếp tục thu hút đầu tư, nâng công suất Nhà máy thép Formosa gắn liền với đa dạng hóa sản phẩm; đầu tư công nghệ hiện đại trong xử lý môi trường, tiến tới xanh hóa tổ hợp luyện thép và phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, chế tạo các sản phẩm từ thép.
Đối với ngành sản xuất điện, tỉnh cần duy trì các nhà máy điện hiện có; hoàn thành Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 bằng công nghệ điện than; nghiên cứu triển khai xây dựng các dự án theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, ưu tiên các dự án điện khí, điện gió, điện mặt trời, thủy điện, điện sinh khối ở những địa điểm phù hợp.
Với ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, Hà Tĩnh cần chuyển đổi cơ cấu, hiện đại hóa ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng phát huy lợi thế của các địa phương, các vùng sinh thái; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao; phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Với ngành dịch vụ logistics, cần phát triển dịch vụ logistics thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, đưa Hà Tĩnh trở thành cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hóa, kho bãi; đáp ứng đà phát triển thương mại, xuất nhập khẩu của vùng Bắc Trung Bộ. Tập trung phát triển trung tâm dịch vụ logistics và dịch vụ cảng biển tại Khu kinh tế Vũng Áng, trung tâm logistics tại Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và huyện Đức Thọ.
Quy hoạch chú trọng phát triển ngành dịch vụ logistics là 1 trong 4 ngành trọng điểm.
Với ngành du lịch, cần phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch, trong đó, tập trung phát triển các khu du lịch ven biển; đầu tư khai thác hiệu quả các sân golf, dịch vụ thể thao, giải trí để tạo các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, có thương hiệu, năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế; xây dựng các tuyến du lịch nội tỉnh, liên tỉnh và quốc tế gắn với các khu, điểm du lịch trên địa bàn.
P.V: Sau hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư, Hà Tĩnh cần làm gì để hiện thực hóa nội dung Quy hoạch tỉnh?
Ông Arnaud Ginolin: Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư là sự kiện có ý nghĩa quan trọng để Hà Tĩnh cung cấp thông tin rộng rãi về các định hướng phát triển của tỉnh; các tiềm năng, lợi thế và các dự án kêu gọi đầu tư vào địa bàn; thông qua đó để thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh.
Để hiện thực hóa nội dung Quy hoạch tỉnh, thứ nhất, Hà Tĩnh cần đảm bảo phân bổ đủ nguồn lực nhằm hỗ trợ việc triển khai quy hoạch, bao gồm nguồn vốn, nhân lực và cơ sở hạ tầng. Điều này bao gồm đánh giá các yêu cầu về nguồn lực, ưu tiên phân bổ dựa trên những nhu cầu trọng điểm và đảm bảo sử dụng hiệu quả các nguồn lực sẵn có.
Thứ hai, truyền thông với các bên liên quan đóng vai trò quan trọng trong hiện thực hóa quy hoạch, bao gồm các cơ quan nội bộ, đối tác trong và ngoài nước, các nhà đầu tư và cộng đồng. Thông tin truyền thông rõ ràng, nhất quán về mục tiêu, tiến độ và kết quả dự kiến nhằm củng cố, tăng cường sự ủng hộ, đồng tình, giải quyết kịp thời những mối quan ngại và tạo điều kiện cho sự hợp tác phát triển.
Thứ ba, cần đảm bảo sự thống nhất của quy hoạch đối với các quy trình, chính sách và hoạt động hiện có; tích hợp với các quy hoạch chi tiết đang được phát triển vào Quy hoạch tỉnh. Điều này giúp đảm bảo các mục tiêu được lồng ghép trong hoạt động thực tiễn và đạt được hiệu quả cao nhất, đưa Hà Tĩnh sớm thực hiện các mục tiêu phát triển.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Ngọc Loan
(thực hiện)