Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1598/QĐ-TTg ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh).
Đồng thời, xây dựng lộ trình tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Quy hoạch tỉnh đã đề ra. Đồng thời, đảm bảo đồng bộ hệ thống các quy hoạch phục vụ phát triển tỉnh; bảo đảm sự thống nhất giữa Quy hoạch tỉnh và Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch ngành cấp quốc gia và Quy hoạch vùng.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng
Một trong những nội dung chủ yếu của Kế hoạch là hoàn thiện đồng bộ hệ thống các quy hoạch. Theo đó, đến năm 2025: Rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch đô thị, nông thôn, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu theo quy định của pháp luật, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt.
Bên cạnh đó, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng. Bạc Liêu cần chủ động phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long xây dựng, hoàn thiện thể chế của Vùng, xác định những chương trình, đề án trọng tâm, trọng điểm có ý nghĩa tạo đột phá cho phát triển vùng, phát triển ngành gắn với cơ chế phù hợp, sử dụng vốn đầu tư công cho kích hoạt, kết nối nguồn lực tư nhân, tạo “tăng trưởng” lan tỏa trong toàn vùng, đặc biệt là Đề án xúc tiến đầu tư tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2024 – 2030; Đề án xây dựng tỉnh Bạc Liêu trở thành trung tâm xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước; Đề án xây dựng thành phố Bạc Liêu và các vùng lân cận được công nhận khu du lịch quốc gia.
Ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn
Kế hoạch cũng nêu rõ, nguyên tắc xác định các dự án đầu tư công là ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng gắn với các hành lang phát triển kinh tế, khu đô thị động lực (hành lang kinh tế ven biển từ Long An – Kiên Giang; đường cao tốc, đường ven biển trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu); hạ tầng kỹ thuật Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hạ tầng điện, hạ tầng kỹ thuật đô thị, cấp nước, thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin; kết cấu hạ tầng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; hạ tầng thương mại và dịch vụ, y tế, giáo dục – đào tạo, văn hóa – thể thao, an sinh xã hội đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh để thu hút các nguồn vốn đầu tư, bảo đảm cơ cấu đầu tư hợp lý, hiệu quả.
Tiếp tục ưu tiên đầu tư hoàn thiện hạ tầng thủy lợi; giao thông; hệ thống cảng; cấp nước, thoát nước, xử lý rác thải đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, phòng cháy, chữa cháy, quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, cấp nước, xử lý chất thải rắn;….
Đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh nhằm phát huy hiệu quả đầu tư của các công trình hạ tầng đã và đang được thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư công.
Các ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư gồm: Năng lượng tái tạo, năng lượng mới, chế biến nông, thủy sản; các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; hạ tầng thông tin và truyền thông đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số; các vùng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, thủy sản; giao thông vận tải; du lịch; ứng phó với biến đổi khí hậu, cấp nước, xử lý chất thải rắn; hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tập trung huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển
Về nguồn lực thực hiện quy hoạch, tỉnh Bạc Liêu dự kiến huy động tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 400 – 450 nghìn tỷ đồng để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng GRDP là 11,5% bình quân hằng năm trong thời kỳ quy hoạch 2021 – 2030; trong đó: Nhu cầu vốn giai đoạn 2021 – 2025 khoảng 180 – 190 nghìn tỷ đồng, giai đoạn 2026 – 2030 khoảng 220 – 260 nghìn tỷ đồng.
Tập trung huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển; sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, tạo đột phá, các dự án tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Mở rộng các hình thức đầu tư, khuyến khích hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) và hình thức đầu tư khác, đồng thời tăng cường xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước để huy động nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và các dự án sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Khai thác quỹ đất vùng phụ cận các hành lang kinh tế để tạo nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội của tỉnh. Nghiên cứu ban hành quy định cơ chế huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường huy động vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Nghiên cứu xây dựng danh mục các công trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo hình thức PPP cho từng giai đoạn để thu hút nhà đầu tư, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và hướng tới mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Đẩy mạnh xã hội hóa trên các lĩnh vực: Y tế, giáo dục, đào tạo nghề, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ,…
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/ke-hoach-thuc-hien-quy-hoach-tinh-bac-lieu-thoi-ky-2021-2030.html