Với vị trí địa lý ở ven biển, liền kề vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ngoài việc sở hữu nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng với những bãi biển đẹp, đồi cát trải dài, Bình Thuận còn là nơi hội tụ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, mang đậm dấu ấn của cộng đồng dân cư của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Gìn giữ, phát huy và quảng bá giá trị
Tỉnh Bình Thuận có trên 70 di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng, trong đó có 28 di tích, danh thắng quốc gia và 4 di sản văn hóa phi vật thể đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sở hữu hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa cùng các di sản văn hóa phi vật thể là những làng nghề, lễ hội đã được công nhận di tích, di sản cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, thời gian qua các cấp, các ngành của tỉnh đã quan tâm gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị, tạo sự lan tỏa, sức sống lâu bền cho di tích, di sản. Những di sản quý giá đó luôn được các cấp, các ngành, cộng đồng nhân dân có ý thức gìn giữ, phát huy và quảng bá giá trị. Hầu hết các di tích quốc gia và di tích cấp tỉnh đã được đầu tư tôn tạo bằng nguồn vốn của Nhà nước và xã hội hóa, qua đó góp phần bảo tồn, khai thác và phát huy có hiệu quả các giá trị di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, thúc đẩy du lịch, kinh tế – xã hội địa phương phát triển. Đồng thời, địa phương còn tổ chức phục dựng, nâng tầm, đưa vào thực hành một số nghi lễ truyền thống tiêu biểu trong các lễ hội của các cộng đồng dân tộc trong tỉnh, góp phần bảo tồn di sản, tạo sự lan tỏa, quảng bá nét văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn.
Với những di sản văn hóa phi vật thể là làng nghề truyền thống, tỉnh luôn quan tâm, tìm giải pháp bảo tồn, gìn giữ và phát triển trên cơ sở tạo điều kiện để người dân làng nghề được gắn bó, cải thiện thu nhập từ nghề truyền thống. Đồng thời nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thu hút du khách đến tham quan, góp phần quảng bá sản phẩm. Đặc biệt là cộng đồng người Chăm đã gắn bó với vùng đất Bình Thuận qua nhiều thế kỷ và cùng với các dân tộc anh em khác trên vùng đất này đã đóng góp cho nền văn hóa của tỉnh nói riêng và của Việt Nam nói chung nhiều di sản quý giá. Việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc Chăm trong quá trình xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc là một yêu cầu quan trọng, luôn được cấp ủy và chính quyền các cấp trong tỉnh đặc biệt quan tâm.
Định hướng phát triển
Nhằm tổ chức quán triệt sâu rộng, cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 04, ngày 7/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống, tỉnh Bình Thuận đã xây dựng kế hoạch để thực hiện nhằm nâng cao công tác quản lý, phù hợp và thể chế hóa định hướng lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về kiến trúc với mục tiêu là xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc kế thừa và phát huy giá trị di sản kiến trúc truyền thống, phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế – xã hội, yêu cầu quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, kế thừa kinh nghiệm xây dựng, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
UBND tỉnh cho biết, để thực hiện tốt định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống trên địa bàn tỉnh đòi hỏi các ngành, địa phương phải xác định trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, tích cực của cơ quan quản lý nhà nước và địa phương, đảm bảo chất lượng và tiến độ thực hiện. Phải xác định được vai trò và mối quan hệ giữa bản sắc địa phương với kiến trúc nông thôn để góp phần trong việc xây dựng kiến trúc nông thôn mới có bản sắc, duy trì và truyền tải những giá trị văn hóa truyền thống trong quá trình phát triển nông thôn nói chung và trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nói riêng. Xây dựng quy hoạch kiến trúc nông thôn trên địa bàn tỉnh với định hướng phát triển tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống gắn với quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quá trình triển khai thực hiện phải đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác quy hoạch xây dựng, kiến trúc, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các sở, ngành và các đơn vị liên quan…