Vận hành hệ thống trong nhà máy điện Nhơn Trach 2. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Ngày 15/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 500/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Cùng với đó, thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới. Đồng thời, hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới.
Về cơ cấu nguồn điện, Quy hoạch điện VIII định hướng đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện phục vụ nhu cầu trong nước là 150.489 MW (không bao gồm xuất khẩu, điện Mặt Trời mái nhà hiện hữu, năng lượng tái tạo để sản xuất năng lượng mới).
Trong đó, điện gió trên bờ 21.880 MW (14,5% tổng công suất các nhà máy điện); Điện gió ngoài khơi 6.000 MW (4%), trường hợp công nghệ tiến triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý thì phát triển quy mô cao hơn.
Ngoài ra, điện Mặt Trời 12.836 MW (8,5%, không bao gồm điện Mặt Trời mái nhà hiện hữu), gồm các nguồn điện Mặt Trời tập trung 10.236 MW, nguồn điện Mặt Trời tự sản, tự tiêu khoảng 2.600 MW (nguồn điện Mặt Trời tự sản, tự tiêu được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất.
Bên cạnh đó, điện sinh khối, điện sản xuất từ rác là 2.270 MW (1,5%), trường hợp đủ nguồn nguyên liệu, hiệu quả sử dụng đất cao, có yêu cầu xử lý môi trường, hạ tầng lưới điện cho phép, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý thì phát triển quy môi lớn hơn.
– Định hướng cơ cấu nguồn điện đến năm 2030:
Quy hoạch điện VIII cũng định hướng về thuỷ điện đến năm 2030 là 29.346 MW (19,5%), có thể phát triển cao hơn nếu điều kiện kinh tế-kỹ thuật cho phép và thủy điện tích năng là 2.400 MW (1,6%), trong khi điện đồng phát, sử dụng nhiệt dư, khí lò cao, các sản phẩm phụ của dây chuyền công nghệ trong các cơ sở công nghiệp là 2.700 MW (1,8%) và quy mô có thể tăng thêm phù hợp với khả năng của các cơ sở công nghiệp.
Trong khi đó, quy hoạch xác định nhiệt điện than 30.127 MW (20%); nhiệt điện khí trong nước 14.930 MW (9,9%); nhiệt điện LNG 22.400 MW (14,9%); nguồn điện linh hoạt 300 MW (0,2%) và nhập khẩu điện 5.000 MW (3,3%), có thể lên đến 8.000 MW.
“Với các nguồn điện than đang gặp khó khăn trong việc triển khai sẽ cập nhật quá trình xử lý để thay thế bằng các nguồn điện LNG hoặc năng lượng tái tạo,” quy hoạch điện VIII nêu rõ.
Cũng tại quy hoạch điện VIII, định hướng đến năm 2050, tổng công suất các nhà máy điện là 490.529-573.129 MW (không bao gồm xuất khẩu, năng lượng tái tạo để sản xuất năng lượng mới).
Trong đó điện gió trên bờ từ 60.050-77.050 MW (12,2-13,4%); Điện gió ngoài khơi 70.000-91.5000 MW (14,3-16%); Điện Mặt Trời từ 168.594-189.294 MW (33-34,4%); Thuỷ điện là 36.016 MW (6,3-7,3%). Đáng chú ý sẽ không còn sử dụng than để phát điện và nhập khẩu điện là 11.042 MW (1,9-2,3%).