SGGP
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025 của huyện Tân Hưng (tỉnh Long An) xác định phát triển nông nghiệp là thế mạnh của địa phương, nhất là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Huyện Tân Hưng phấn đấu đến năm 2025 đạt 15.550ha lúa sản xuất theo mô hình ứng dụng CNC. Để thực hiện kế hoạch này, trước mắt, huyện sẽ sử dụng hơn 850ha đất công ở xã Hưng Điền (hiện đang giao khoán, cho dân thuê sản xuất nông nghiệp) để kêu gọi, liên kết đầu tư sản xuất lúa ứng dụng CNC.
Phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu nghị quyết
Thời gian qua, việc thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện Tân Hưng đã từng bước khẳng định hướng đi phù hợp với xu hướng phát triển của ngành nông nghiệp, nhất là trên lĩnh vực sản xuất lúa. Bởi sau một thời gian triển khai thực hiện mô hình này, huyện Tân Hưng đã hình thành các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, chất lượng cao, gắn sản xuất với thị trường. Mô hình này còn làm giảm được lượng giống, phân bón, thuốc trừ sâu bệnh; lợi nhuận thu được cao hơn sản xuất truyền thống từ 4-5 triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Văn Tài, một nông dân ở xã Hưng Điền B, chia sẻ: “Lúc trước, thấy địa phương triển khai thí điểm sản xuất lúa theo mô hình ứng dụng CNC, bà con mừng nhưng ai cũng lo, không biết có làm được và hiệu quả hay không, nhưng đến giờ thì bà con tin tưởng rồi, hiệu quả đem lại rõ rệt”.
Nông dân ở xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An trên cánh đồng lúa |
Ông Nguyễn Thanh Tiệp, Bí thư Huyện ủy Tân Hưng, cho biết, thực tế đã chứng minh mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC hiệu quả hơn kiểu sản xuất truyền thống. Đây được coi là cơ sở thực tiễn để huyện quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra. Thời gian tới, huyện Tân Hưng tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức chung đến bà con nông dân. Mục đích là để bà con thấy hiệu quả từ mô hình này, từ đó thay đổi tập quán sản xuất cũ, quen dần với phương thức sản xuất mới, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho bà con nhân dân.
Để chương trình này phát triển tốt, ngoài việc vận động người dân tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã, tổ chức lại sản xuất cho phù hợp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ trong sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế và thân thiện môi trường, địa phương cũng đã quy hoạch tạo ra nguồn đất sạch tập trung lớn để kêu gọi, liên kết với các doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất lúa ứng dụng CNC.
Quy hoạch hơn 850ha đất sạch
Ông Lê Thành Yên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng, cho biết, khu đất hơn 850ha mà huyện quy hoạch sử dụng để liên kết sản xuất lúa ứng dụng CNC ở ấp Láng Biển, xã Hưng Điền. Khu đất này là đất công, do tỉnh quản lý. Năm 1989, UBND tỉnh Long An có chủ trương giao khu đất cho Đoàn xây dựng Kinh tế I (sau đổi thành Công ty TNHH MTV Đồng Tháp I) thuê sử dụng. Năm 1991, công ty thực hiện giao khoán đất cho các hộ dân sản xuất lúa. Đến năm 1995, công ty tiếp tục cho các hộ dân hợp đồng khoán với thời hạn 20 năm (1995-2015). Nhưng đến năm 2005, công ty và các hộ dân phải điều chỉnh ký lại hợp đồng nhận khoán mới (thời gian tính từ 2007-2013) theo quy định của Nghị định 135/2005/NĐ-CP của Chính phủ.
Sau đó, công ty và các hộ dân tiếp tục ký hợp đồng nhận khoán đất để sản xuất lúa, nhưng chỉ có 512/540 hộ tái ký hợp đồng, 28 hộ còn lại không chịu ký hợp đồng nhận khoán đất mới, nhưng vẫn tiếp tục canh tác đất và vẫn còn nợ tiền thuê đất từ năm 2007 đến nay. Theo yêu cầu của những hộ này, họ muốn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên phần đất mà họ nhận giao khoán để có đất sản xuất ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, yêu cầu của người dân bị bác vì không phù hợp với quy định của pháp luật tại Điều 19, Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ về các trường hợp không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tháng 9-2019, UBND tỉnh Long An có quyết định thu hồi đất của Công ty TNHH MTV Đồng Tháp I và giao cho UBND huyện Tân Hưng quản lý, sử dụng. Khi tiếp nhận quản lý, sử dụng số đất này, UBND huyện Tân Hưng vẫn tiếp tục ký hợp đồng giao khoán đất cho các hộ dân sử dụng sản xuất lúa. Tuy nhiên, trước khi ký hợp đồng cho các hộ dân thuê đất, UBND huyện Tân Hưng cho lập tổ kiểm tra, thống kê hiện trạng sử dụng đất của từng hộ nhận khoán.
Sau đó, tổ chức đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, xác định diện tích cụ thể của từng hộ dân, làm cơ sở cho dân thuê đất và kêu gọi đầu tư. Theo thống kê, hiện có 416 hộ dân đang nhận khoán đất để sản xuất lúa, trong đó có một số ít hộ dân ở địa phương, phần còn lại là người dân đến từ các tỉnh Đồng Tháp, An Giang. Tuy nhiên, nhiều hộ sử dụng đất để sản xuất lúa nhưng không chịu ký hợp đồng nhận khoán đất, thậm chí không trả tiền thuê đất hàng năm từ năm 2007 đến nay.
Hiện UBND huyện Tân Hưng đã xin chủ trương của tỉnh, được sử dụng hơn 850ha đất công nói trên để kêu gọi, liên kết với các doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất lúa ứng dụng CNC, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tránh lãng phí đất công. Cũng theo ông Lê Thành Yên, hiện nay có nhiều doanh nghiệp đến đăng ký, xin liên kết để sản xuất lúa ứng dụng CNC trên phần diện tích đất này. Hiện UBND huyện đã lập 2 phương án thu hồi đất để trình lên UBND tỉnh xin chủ trương.