BTO-Sáng nay 5/6, sau khi họp toàn thể hội trường, nghe trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Quốc hội tiến hành phiên thảo luận tại tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Tổ 14 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Bình Thuận, Hải Dương, Sơn La.
Tham gia góp ý, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Hữu Thông đề nghị điều chỉnh thuật ngữ tại điều 3, khoản 9: “nhà lưu trú công nhân” thành “nhà lưu trú trong khu công nghiệp, khu kinh tế”. Lý giải, đại biểu cho rằng nhà lưu trú không chỉ dành cho công nhân mà còn dành cho người lao động và các chuyên gia làm việc tại khu công nghiệp, khu kinh tế. Ngoài ra, dự thảo luật không quy định về tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và tổ chức nước ngoài. Do vậy đại biểu đề nghị bổ sung thêm 2 định nghĩa này vào điều 3 nhằm tránh sự chồng lấn. Về điều 5 quy định về các hành vi bị cấm, tại điểm c khoản 9, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị thay đổi nội dung: “sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở hoặc sử dụng vào mục đích lưu trú cho nhiều người ở” thành “sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích khác với mục đích xác định trong dự án nhà chung cư”…
Tại khoản 6 có quy định về hành vi bị cấm gồm sử dụng sai mục đích nguồn vốn huy động hoặc tiền mua nhà ở trả trước cho phát triển nhà ở. Tuy nhiên, dự thảo luật này không quy định cơ chế về kiểm soát việc sử dụng nguồn vốn của chủ đầu tư trong khi thực tế nhiều trường hợp chủ đầu tư sử dụng nguồn vốn của dự án A để phát triển dự án B. Đại biểu cho rằng, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến các dự án đầu tư chậm tiến độ trong thời gian qua. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về cơ chế kiểm soát chủ đầu tư trong việc sử dụng nguồn vốn huy động trong dự thảo luật…
ĐBQH tỉnh Bố Thị Xuân Linh tham gia góp ý về đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, điều 10, điểm c, khoản 1 có quy định: Đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm tổ chức, cá nhân nước ngoài theo quy định tại khoản 1, điều 19 của luật này. Theo đại biểu, mặc dù luật hiện hành có quy định nhưng thời gian qua các địa phương chỉ giải quyết trường hợp của các tổ chức, cá nhân nước ngoài mua căn hộ chung cư; còn trường hợp mua nhà riêng lẻ tại các dự án không thực hiện do không cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vì pháp luật về đất đai không cho người nước ngoài nhận chuyển nhượng về đất. Cho nên đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần quy định cụ thể nhằm giúp cho các địa phương có căn cứ để thực hiện.
Xung quanh Khoản 5, điều 7 có quy định: Tại các khu vực của quận, thành phố thuộc đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I, II, III, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở phải xây dựng nhà ở để bán, cho thuê và cho thuê mua. Theo đại biểu, việc quy định như dự thảo rất cứng nhắc đối với kinh doanh phân lô bán nền tại đô thị loại III. Do vậy đại biểu đề nghị để phù hợp với pháp luật đất đai trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô bán nền không nên quy định bắt buộc xây dựng nhà ở đối với đô thị loại III.
ĐBQH tỉnh Trần Hồng Nguyên cho rằng, về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh, đại biểu tán thành với quy định trong dự thảo Luật, tuy nhiên, việc xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh cần có sự tham gia của UBND cấp tỉnh để đảm bảo điều kiện nhà ở cho người dân địa phương, đồng thời cũng cần có mức độ can thiệp hợp lý, không hành chính hóa thái quá, can thiệp quá sâu dẫn đến ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường bất động sản của địa phương.
Đại biểu cũng đề nghị rà soát các kế hoạch, chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh, đối chiếu với các loại quy hoạch đang thực hiện như quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, quy hoạch tỉnh để đảm bảo hài hòa, thống nhất, không chồng chéo, mâu thuẫn, gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện…