Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 31/5, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
30 cơ chế, chính sách đặc thù, với 5 chính sách mới
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo Nghị quyết điều chỉnh, bỏ các nội dung, chính sách không còn phù hợp khi thực hiện chính thức tổ chức chính quyền đô thị; đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù sửa đổi bổ sung theo 2 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 30 chính sách cụ thể.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình về dự thảo Nghị quyết. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Nhóm thứ nhất gồm 9 chính sách về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng, trong đó có 7 chính sách tương tự các địa phương khác đã được áp dụng và 2 chính sách đề xuất mới.
Nhóm thứ 2 gồm 21 chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng đề xuất thực hiện thí điểm liên quan đến quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách nhà nước; quy hoạch, đô thị và tài nguyên, môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược; thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng; vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thông tin truyền thông, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tiền lương, thu nhập.
Trong 21 chính sách nói trên có 6 chính sách hoàn toàn tương tự các tỉnh, thành phố đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại các Nghị quyết đặc thù, 10 chính sách tương tự có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn của Đà Nẵng và 5 chính sách đề xuất mới.
Các chính sách đề xuất mới theo thực tế của thành phố cụ thể là:
Chính sách 1: Thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Theo đó, dự thảo Nghị quyết quy định thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với Cảng biển Liên Chiểu và xác định đây là khu chức năng, có ranh giới địa lý xác định, được thành lập để thực hiện thí điểm các cơ chế chính sách nhằm mục tiêu thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch, dịch vụ chất lượng cao, công nghệ cao.
Để đơn giản thủ tục hành chính, dự thảo Nghị quyết giao Ủy ban nhân dân Thành phố tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố trong ranh giới Khu thương mại tự do Đà Nẵng bảo đảm đồng bộ sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng.
Ủy ban nhân dân Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Đồng thời quy định Khu thương mại tự do Đà Nẵng là trường hợp được thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định của pháp luật về đất đai để đẩy nhanh việc thành lập mô hình Khu mới này.
Quang cảnh phiên họp sáng 31/5. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Dự thảo Nghị quyết cũng quy định một số chính sách ưu đãi để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào Khu thương mại tự do. Cụ thể, mức ưu đãi, thời gian miễn, giảm tiền thuê đất; thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án đầu tư trong Khu thương mại tự do Đà Nẵng được áp dụng như ưu đãi đối với dự án đầu tư trong khu kinh tế theo quy định của pháp luật.
Hàng hóa, dịch vụ được mua bán, cung ứng trong các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng; giữa nội địa và nước ngoài với các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng được áp dụng theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt như khu phi thuế quan trong khu kinh tế…
Ngoài ra, để thực hiện thí điểm cơ chế “một cửa, tại chỗ” đối với Khu thương mại tự do Đà Nẵng, dự thảo Nghị quyết quy định Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trực tiếp đối với các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng.
Chính sách 2: Thành phố được thực hiện thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đối với dự án trung tâm logistics.
Chính sách 3: Phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.
Chính sách 4: Đầu tư, quản lý, khai thác và xử lý tài sản kết cấu hạ tầng, trang thiết bị phục vụ phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Chính sách 5: Tổ chức sự nghiệp công lập được giao quản lý và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp đã được đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công thì được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và được cho thuê lại đất. Giao Ủy ban nhân dân Thành phố quy định cơ chế tài chính, thẩm quyền xác định và quyết định giá cho thuê, đối tượng cho thuê phù hợp với điều kiện thực tế trên địa bàn Thành phố.
Đánh giá kỹ tác động của các đề xuất ưu đãi thuế đến thu ngân sách
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, về thí điểm các chính sách ưu đãi về miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và miễn thuế thu nhập cá nhân cho tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, cá nhân đối với hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, pháp luật hiện hành chưa quy định nội dung, mức được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với nhóm đối tượng này.
Luật Thuế thu nhập cá nhân chưa có quy định về đối tượng, điều kiện, mức miễn, giảm và thời gian giảm thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, vi mạch bán dẫn.
Chính sách này được áp dụng thí điểm tương tự tại Thành phố Hồ Chí Minh nhưng được bổ sung thêm đối tượng áp dụng: (1) Đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. (2) Đối với cá nhân trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản thống nhất với dự thảo Nghị quyết, song đề nghị bổ sung đánh giá, thuyết minh và làm rõ một số nội dung mới để bảo đảm căn cứ, tính khả thi trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Theo đó, việc ưu đãi thuế cần được đặt trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu để bảo đảm tính hợp lý, tính khả thi và tuân thủ các cam kết quốc tế; đặc biệt khi điểm c khoản 2 Điều 3 quy định đối tác chiến lược thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn có doanh thu toàn cầu gần nhất hơn 25 nghìn tỷ đồng – là đối tượng phải áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Đồng thời, cần hạn chế tạo sự khác biệt quá lớn trong áp dụng chính sách thuế giữa các đối tượng, giữa vùng miền.
Các ý kiến cũng cho rằng cần bổ sung đánh giá tác động của chính sách ưu đãi thuế đến tổng thu ngân sách nhà nước của Trung ương và địa phương. Ngoài ra, đề nghị rà soát để quy định việc miễn thuế thu nhập cá nhân chỉ áp dụng đối với khoản thu nhập có được từ hoạt động đổi mới sáng tạo, hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn (không phải miễn thuế cho tất cả thu nhập từ lương, tiền công của chuyên gia, nhà khoa học…).
Các đại biểu dự phiên họp. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Về thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng, ông Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban tán thành với chủ trương thí điểm thành lập Khu thương mại tự do tại thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn, không chỉ mang tính chất kinh tế mà liên quan đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, gắn với thể chế và hệ thống pháp luật.
Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát để quy định rõ ràng, cụ thể trong dự thảo Nghị quyết về một số nội dung: khái niệm, mô hình tổ chức; chức năng, nhiệm vụ; chính sách phát triển và quản lý nhà nước; phương án phát triển khu thương mại tự do; nguồn lực thực hiện, đầu tư phát triển hạ tầng…; kết quả đầu ra khi thành lập Khu thương mại tự do, bao gồm tác động đến tăng trưởng kinh tế, ngân sách, xã hội…
Đối với mức ưu đãi, thời gian miễn, giảm tiền thuê đất đối với dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản nhất trí với dự thảo Nghị quyết. Có ý kiến đề nghị Chính phủ cần bổ sung đánh giá rõ hơn tác động của chính sách đến tình hình thu ngân sách địa phương để làm căn cứ trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Về chính sách ưu đãi thuế trong Khu thương mại tự do theo quy định, có ý kiến đề nghị, để bảo đảm căn cứ trình Quốc hội xem xét, quyết định, Chính phủ cần đánh giá cụ thể hơn về tác động của chính sách đến thu ngân sách nhà nước, sự cần thiết, tính hiệu quả chính sách mang lại, đặc biệt khi Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị có quy định về yêu cầu bảo đảm tính trung lập của thuế.
Nguồn: https://nhandan.vn/quy-dinh-ro-phuong-an-nguon-luc-phat-trien-khu-thuong-mai-tu-do-da-nang-post811977.html