Sáng 15/11, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).
Bảo đảm thực hiện thống nhất
Báo cáo về vấn đề xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, về quy định các giao dịch phải công chứng, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, quy định tiêu chí về giao dịch phải công chứng như dự thảo Luật là phù hợp.
Ông Hoàng Thanh Tùng giải thích, Luật Công chứng là luật hình thức, không nên quy định cụ thể các giao dịch phải công chứng trong luật để không trùng lặp với quy định của pháp luật chuyên ngành. Luật cần quy định tiêu chí chung để tránh việc mỗi văn bản pháp luật chuyên ngành xác định giao dịch phải công chứng theo tiêu chí khác nhau, dẫn đến sự thiếu thống nhất hoặc có thể bị lạm dụng, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật quy định tiêu chí xác định giao dịch bắt buộc phải công chứng căn cứ vào các yếu tố: tính chất quan trọng, mức độ đòi hỏi an toàn pháp lý của giao dịch và thẩm quyền quy định giao dịch phải công chứng. Khi soạn thảo, thẩm định, thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật có quy định liên quan đến giao dịch dân sự, kinh tế, các chủ thể có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật sẽ xem xét, đánh giá sự phù hợp với tiêu chí của giao dịch dự kiến quy định phải công chứng; bảo đảm việc thực hiện thống nhất.
Tuy nhiên, nếu tại tiêu chí này quy định cứng chỉ luật mới được quy định giao dịch phải công chứng như đề xuất của Chính phủ thì không bảo đảm sự linh hoạt phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, không bảo đảm tính ổn định của luật, nhất là trong điều kiện khoa học, công nghệ phát triển nhanh hiện nay, nhiều giao dịch kinh tế, dân sự mới phát sinh khó dự báo trước. Theo hướng này sẽ phải nghiên cứu sửa một số luật để “luật hóa” các giao dịch phải công chứng hiện đang quy định tại một số nghị định, thông tư, trong đó có Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 vừa mới có hiệu lực thi hành. Điều này vừa nhạy cảm vừa không phù hợp với tinh thần chỉ đạo về đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật.
Về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị giữ quy định về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là bảo hiểm bắt buộc như dự thảo Luật. Theo quy định của pháp luật hiện hành và dự thảo Luật, công chứng là dịch vụ công cơ bản, công chứng viên cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia giao dịch, phòng ngừa tranh chấp, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, ổn định và phát triển kinh tế – xã hội. Do đó, quy định như vậy phù hợp với quy định Luật Kinh doanh bảo hiểm, góp phần bảo vệ lợi ích công cộng, an toàn xã hội, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của công chứng viên trong hành nghề công chứng.
Hơn nữa, đây là quy định kế thừa Luật Công chứng hiện hành và phù hợp với pháp luật công chứng của một số nước. Quy định như dự thảo Luật mới bảo đảm chặt chẽ, khả thi, thống nhất với nghĩa vụ của tổ chức hành nghề công chứng trong việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên, bảo đảm thực hiện mục tiêu bảo vệ lợi ích công cộng, an toàn xã hội.
Phải quy định rõ mức mua và mức bồi thường
Về việc tiếp tục giữ quy định về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là bảo hiểm bắt buộc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho rằng, trong 14 luật chuyên ngành hiện có 11 luật quy định bảo hiểm trách nhiệm theo hướng là bảo hiểm nghĩa vụ, đòi hỏi tổ chức hành nghề phải mua bảo hiểm nghề nghiệp cho thành viên.
“Việc mua bảo hiểm nghề nghiệp là nghĩa vụ nên sẽ mua trên cơ sở thỏa thuận giữa doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm và tổ chức hành nghề. Nếu là loại hình bảo hiểm bắt buộc thì sẽ phải quy định rõ mức mua và mức bồi thường”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nêu rõ.
Qua rà soát các luật liên quan đến kiểm toán, luật sư, khám, chữa bệnh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, các luật liên quan đã bỏ quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp là bảo hiểm bắt buộc, chỉ quy định nghĩa vụ mua bảo hiểm. Như vậy, nếu dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) vẫn giữ quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp công chứng viên loại hình bảo hiểm bắt buộc thì hiện có duy nhất Luật này bắt buộc mua bảo hiểm nghề nghiệp. “Mua bảo hiểm nghề nghiệp là để bảo vệ công chứng viên khi có rủi ro về trách nhiệm cá nhân, nhưng so sánh với bác sỹ, kiểm toán viên, luật sư thì không biết ai rủi ro hơn”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nêu rõ.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là bảo hiểm bắt buộc sẽ phù hợp với quy định tại Điều 8 của Luật Kinh doanh bảo hiểm, góp phần bảo vệ lợi ích công cộng, an toàn xã hội, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của công chứng viên trong hành nghề công chứng. Mặt khác, đây là quy định kế thừa Luật Công chứng hiện hành và phù hợp với pháp luật công chứng của một số nước. Việc thời gian qua các công chứng viên hầu như không được bồi thường khi xảy ra sự kiện bảo hiểm mà Chính phủ nêu tại văn bản số 777/CP-PL là vấn đề bất cập trong tổ chức thực hiện Luật.
Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị, Chính phủ cần có giải pháp khắc phục để tăng cường hiệu quả thực thi quy định này trong thực tiễn, nhất là quy định về cơ chế, điều khoản, nguyên tắc bảo hiểm phù hợp với đặc thù của hoạt động công chứng”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ.
Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với những vấn đề trong dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) đã được Cơ quan chủ trì soạn thảo và Cơ quan chủ trì thẩm tra đã thống nhất.
Tuy nhiên, đối với quy định về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị thiết kế 2 phương án trình Quốc hội xem xét. Phương án 1, giữ như Luật hiện hành là bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là bảo hiểm bắt buộc. Phương án 2 như Chính phủ đề nghị không quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của bảo hiểm bắt buộc là loại hình bảo hiểm bắt buộc mà chỉ quy định tổ chức hành nghề công chứng có nghĩa vụ mua bảo hiểm này cho bảo hiểm bắt buộc của tổ chức mình.
Trước đó, trong phiên họp sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp, xem xét một số nghị quyết để triển khai thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024.