Chiều 6.10, tại TP.Đà Nẵng diễn ra hội nghị Gặp gỡ chính quyền và doanh nghiệp do Hội Doanh nhân trẻ TP.Đà Nẵng tổ chức.
Các doanh nhân đã chia sẻ các vấn đề về cơ chế, chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh kinh tế hiện nay, vay vốn, giá thuê đất, đặc biệt là vướng mắc về PCCC.
Ông Huỳnh Thanh Quang, Tổng giám đốc Công ty kiến trúc xây dựng và nội thất Quang Army, Phó chủ tịch thường trực Hội Doanh nghiệp Q.Hải Châu, kiến nghị TP.Đà Nẵng đề xuất trung ương và Bộ Công an tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất liên quan đến lĩnh vực PCCC. Bởi lẽ, quy định điều kiện đảm bảo PCCC chưa khoa học, chưa phân loại theo mức độ rủi ro của ngành nghề sản xuất, kinh doanh, điều kiện “quá khắc nghiệt” và làm tăng chi phí quá mức cho doanh nghiệp.
“Những vướng mắc về PCCC của doanh nghiệp chủ yếu liên quan Nghị định 136/2020/NĐ-CP. Việt Nam là quốc gia đang phát triển nhưng quy chuẩn liên quan đến PCCC tại QCVN 06:2022/BXD (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình) lại cao hơn những quốc gia phát triển nhất thế giới. Sự thiếu hợp lý trong quy định về kiểm định vật liệu PCCC, gây tốn kém về chi phí cho doanh nghiệp”, ông Huỳnh Thanh Quang nói.
Theo thống kê của Công an TP.Đà Nẵng, từ sau Công điện 220/CĐ-TTg của Thủ tướng về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC, Công an TP.Đà Nẵng đã rà soát, xác định 1.122 cơ sở có vi phạm.
Công an thành phố đã phân loại, đánh giá từng trường hợp có thể hoặc không thể khắc phục, đến nay gần 200 cơ sở đã được hướng dẫn, hỗ trợ để khắc phục.
Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ Công an TP.Đà Nẵng cũng đã 3 lần đối thoại với 300 doanh nghiệp để đưa ra các giải pháp cụ thể xử lý dứt điểm những tồn tại.
Kết quả, lực lượng chức năng đã hướng dẫn tháo gỡ 8 công trình liên quan đến sử dụng sơn chống cháy, hướng dẫn 39 công trình khắc phục tồn tại về nghiệm thu, hướng dẫn 7 ban quản lý đầu tư xây dựng khắc phục tồn tại về PCCC tại các cơ sở giáo dục…
Đối với karaoke, cơ quan công an làm việc trực tiếp và khảo sát thực tế tại cơ sở, hướng dẫn các giải pháp, đến nay có hơn 20 cơ sở karaoke đã hoạt động trở lại.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, cho biết trong thời gian đến, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế toàn cầu có xu hướng tăng trưởng chậm lại. Trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. TP.Đà Nẵng dự kiến trong 3 tháng cuối năm 2023 tình hình sản xuất sẽ tiếp tục khó khăn do chuỗi giá trị tiếp tục bị đứt gãy, số lượng đơn hàng mới tiếp tục giảm, thu nhập người dân giảm sẽ tác động nhiều đến các lĩnh vực dịch vụ, tiêu dùng.
“Trong bối cảnh hiện nay, thành phố tiếp tục tập trung hỗ trợ, duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để đẩy mạnh thu hút đầu tư. Đồng thời, tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các dự án, mở rộng sản xuất, kinh doanh; gặp gỡ, làm việc với các doanh nghiệp để nắm bắt tình hình, động viên, kịp thời tháo gỡ, giải quyết các vướng mắc” – ông Hồ Kỳ Minh nói.