Theo chương trình kỳ họp thứ 6, chiều 24/11 Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Trong dự thảo luật, hành vi bị nghiêm cấm nhận được nhiều ý kiến góp ý liên quan việc điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Một số ý kiến cho rằng nên cấm tuyệt đối theo tờ trình của Chính phủ. Trong khi đó, một số ý kiến khác lại nêu quan điểm uống rượu bia vượt ngưỡng cho phép thì mới cấm, mới phạt.
Bên hành lang Quốc hội, trao đổi với Người Đưa Tin, ĐBQH Phạm Văn Hòa – Ủy viên Ủy ban Pháp luật cho biết, quy định người tham gia giao thông, đặc biệt, tài xế lái xe không được sử dụng rượu bia là vấn đề rất nhiều đại biểu quan tâm.
“Người dân rất đồng tình ủng hộ và bản thân tôi cũng đồng tình hễ lái xe là không được uống rượu bia”, đại biểu Hòa nói.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng quy định về nồng độ cồn đối với những người lái xe sau khi bị kiểm tra trong hơi thở có siro thì không phù hợp. Do đó, đối với đo nồng độ cồn bằng “0”, đại biểu cho biết sẽ phản biện về nội dung này đó là “Phải chấp nhận hơi thở có nồng độ cồn nhưng phải nằm trong giới hạn nhất định theo quy định của pháp luật”.
Ông Hòa lý giải vì hiện nay có rất nhiều trường hợp như thức ăn, người chế biến gia vị có sử dụng một chút rượu bia.
“Khi ăn xong rồi lên xe đi sau đó đo nồng độ cồn và bị xử phạt thì không đảm bảo. Đây là một bất cập. Thêm nữa, có những trường hợp họ có uống rượu bia nhưng nghỉ cách mấy giờ đồng hồ. Thậm chí, uống từ buổi buổi chiều ngày hôm nay, về nghỉ ngơi, ngủ đến sáng mai đi làm việc thì tôi chắc rằng khi đo nồng độ cồn những trường hợp này trong hơi thở vẫn còn hơi men”, ông Hòa nói.
Ông Hòa một lần nữa nhấn mạnh “Quy định không được uống rượu, bia là đúng nhưng phải có quy định rành mạch rõ ràng, cụ thể trong hơi thở của người tài xế lái xe cho phép tỉ lệ nồng độ cồn là bao nhiêu? Như vậy sẽ đảm bảo”.
Vị đại biểu cũng đưa ra thí dụ, uống nửa chai bia hoặc một chai bia, một ly rượu lễ nghĩa thì đã có hơi rượu rồi. “Mà uống có bao nhiêu đó thì tôi nghĩ không thể nào say đến mức không làm chủ được tay lái”, ông Hòa nói.
Đồng thời, theo ông Hòa cũng nên đánh giá không phải các tai nạn giao thông hiện nay đều là những tài xế có uống rượu, bia. Bởi, tai nạn giao thông có nhiều tình huống xảy ra, trong đó không uống rượu bia.
Do đó, đại biểu cho rằng, cần phải có sự đánh giá thật sự khách quan về vấn đề này, trong đó lưu ý đến văn hóa vùng nông thôn, dân tộc, các dịp lễ Tết…
“Đặc biệt, ở vùng nông thôn, người đồng bào dân tộc và lễ nghĩa, Tết nhất… mọi dịp đều có rượu, bia”, ông Hòa nêu.
Cho nên, ông Hòa cho hay có quy định về cấm rượu, bia là được nhưng phải có quy định nồng độ cồn với tỉ lệ nhất định thì sẽ hợp lý.
Trả lời việc nới tỉ lệ nồng độ cồn nhất định thì có lo ngại sẽ dẫn đến uống quá chén, ông Hòa cho rằng cần quy định nồng độ cồn trong hơi thở được tỉ lệ là bao nhiêu thay vì hiện nay “nồng độ cồn bằng 0”. Nếu không có quy định là không thực tiễn và cần thiết thì phải lấy ý kiến rộng rãi với người dân.
Trước đó, tham gia góp ý kiến tại phiên thảo luận tổ, ĐBQH Phạm Như Hiệp – Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cũng băn khoăn về việc cấm tuyệt đối trong máu có nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Ông Hiệp thừa nhận, khi vừa uống rượu, bia mà tham gia giao thông thì phải phạt. “Tuy nhiên, buổi tối người dân uống rượu sáng hôm sau người ta đi làm, trong máu có nồng độ cồn bị phạt thì cũng băn khoăn. Hoặc người ta đi uống buổi trưa, buổi tối đêm đi xe lại bị phạt vì trong máu vẫn còn nồng độ cồn”, ông Hiệp nói.
ĐBQH Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) băn khoăn không biết khi quy định cấm người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông trong máu có nồng độ cồn thì có tham khảo kinh nghiệm quốc tế không vì quy định như vậy không thực tế.
Ông Huân dẫn ví dụ ở Phần Lan, nếu uống 1 chai bia trong vòng 1 tiếng thì đảm bảo chất kích thích không còn đủ tác động và có thể điều khiển được xe. Trường hợp uống 2 chai bia thì sau 3 tiếng có thể điều khiển được xe.
“Còn ở ta thì cấm tuyệt đối. Thí dụ, tối qua chúng ta liên hoan thì sáng nay nồng độ vẫn còn và vi phạm. Cái đấy là không thực tế. Tối qua uống một chút, sáng nay họp vẫn tỉnh táo, vẫn phát biểu có làm sao đâu”, ông Huân nêu.
Đề xuất tỉ lệ nồng độ cồn bằng 0
Trước những ý kiến, đề xuất của các đại biểu thời gian qua, thông tin tới báo chí một số nội dung liên quan dự thảo Luật, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên- Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an cho biết, với quan điểm bảo vệ tính mạng của người tham gia giao thông là trên hết, khoản 1 Điều 8 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ hiện tại quy định điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là một trong những hành vi bị cấm.
Quy định này nhằm hạn chế tai nạn giao thông, bảo đảm sức khỏe người tham gia giao thông và thống nhất với quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (khoản 6 Điều 5 quy định điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là hành vi bị cấm).
Thực tế, người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia thường bị ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm thần và thể chất, đến khả năng phán đoán, xử lý tình huống khi tham gia giao thông; đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người mà nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn.
Sau thời gian thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, các vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia đã giảm đáng kể, chứng minh được hiệu quả của quy định trên trong thực tế.
Do đó, việc đề xuất nghiên cứu mức nồng độ cồn cho phép phù hợp với từng loại phương tiện giao thông cần phải được nghiên cứu, đánh giá thận trọng trên cơ sở bảo đảm yêu cầu thực tiễn, có căn cứ khoa học và bảo đảm tính khả thi. Dự thảo Luật đang đề xuất tỉ lệ nồng độ cồn bằng 0.