Ngàay 8/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 với dự án Luật Nhà giáo. Nhiều đại biểu quan tâm đến các quy định về chính sách tiền lương, cơ chế ưu đãi đối với nhà giáo.

Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho hay, sau khi được chỉnh lý, dự thảo luật giảm 26 điều so với dự thảo luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 37 trước đó.

NguyenKimSon.jpg
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: QH

Trong đó, dự luật quy định một số nội dung về chính sách tiền lương, phụ cấp, hỗ trợ đối với nhà giáo, được rà soát kỹ lưỡng để vừa đảm bảo có đột phá, vừa phù hợp với bối cảnh thực hiện cải cách tiền lương trong thời gian tới.

Với các chính sách dự kiến quy định tại Luật Nhà giáo, sẽ làm phát sinh tăng ngân sách. Cụ thể theo báo cáo của Chính phủ, chi phí phát sinh tăng thêm để chi trả tiền lương cho nhà giáo sẽ khoảng 1.068 tỷ đồng/tháng, tức hàng năm ngân sách phải bổ sung 12.816 tỷ đồng.

Trường hợp, quy định nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, thì chi phí phát sinh tăng thêm để chi trả tiền lương khoảng 22 tỷ đồng/tháng, tức hàng năm ngân sách phải bổ sung 264 tỷ đồng.

Dự thảo luật cũng dự kiến có chính sách miễn học phí cho con giáo viên, giảng viên. Nếu thực hiện chính sách này, ngân sách Nhà nước phải cấp chi trả thêm hơn 9.200 tỷ đồng.

Chính sách ưu đãi, đặc thù thì được nhưng đặc quyền, đặc lợi thì không nên

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá, dự luật lần này thể hiện khá tốt, khẳng định nhà giáo chính là viên chức đặc biệt, về nguyên tắc sẽ được hưởng mọi quyền lợi và chính sách đối với viên chức trong hệ thống pháp luật, trừ một số quy định đặc thù.

“Ví dụ, lương xếp bậc cao nhất trong hệ thống viên chức, nghỉ lễ, nghỉ hè 10 ngày/năm, còn nhà giáo tối đa 4-8 tuần/năm tùy theo cấp học, bậc học, tất nhiên trong thời gian nghỉ hè phải làm rất nhiều sinh hoạt chuyên môn nữa”, ông Định dẫn chứng.

Về chính sách hỗ trợ nhà giáo, Phó Chủ tịch Quốc hội chia sẻ: “Nói thực tôi cũng là giáo viên, tôi có con đi học, dự thảo quy định rất nhân văn, miễn học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang trong quá trình công tác là nhân văn”.

NguyenKhacDinh
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định. Ảnh: QH

Tuy nhiên ông lại băn khoăn, quy định này có thể miễn học phí ở trường công lập chứ dân lập không ai miễn. Tuy nhiên nếu miễn học phí như vậy cũng nhạy cảm.

“Con tôi đi học cô giáo mời tôi đến trường khai giảng, nó bảo bố đến đừng nhận bố là bố của con, các bạn bảo con ông to phiền lắm. Mẹ là giáo viên, con bảo mẹ đừng có khai mẹ là giáo viên, bảo con giáo viên được hưởng ưu đãi là các bạn phân biệt đối xử”, ông nêu thực tế.

Vì vậy, theo ông Định, nội dung này cần quy định thế nào hoặc để cho Chính phủ quy định theo hướng đối với những nhà giáo có khó khăn thì có chính sách hỗ trợ, không ghi vào luật như dự luật được.

“Quy định chính sách ưu đãi thì được, chế độ đặc thù thì được nhưng đặc quyền, đặc lợi thì không nên”, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Về chế độ nghỉ hưu, Điều 28 của dự luật quy định “Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non, trường lớp dành cho người khuyết tật có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi”.

Ông Định đề nghị xem xét lại quy định “nhà giáo có thể nghỉ hưu trước 55 tuổi nhưng không bị trừ tỷ lệ lương hưu”. Bởi nếu quy định như vậy sẽ phải sửa Luật Bảo hiểm xã hội là không nên. Hơn nữa quy định như vậy sẽ là “đặc quyền, đặc lợi” và mâu thuẫn Luật Bảo hiểm xã hội vừa mới thông qua.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, thường trực ủy ban này cơ bản đồng tình với quy định về chính sách tiền lương, phụ cấp với nhà giáo.

Tuy nhiên, có ý kiến trong cơ quan thẩm tra đề nghị xác định rõ phạm vi, đối tượng thụ hưởng, đánh giá tác động kỹ lưỡng, đầy đủ về nguồn lực bảo đảm thực hiện chính sách hỗ trợ, thu hút nhà giáo, nhất là chính sách miễn học phí cho con của nhà giáo.

Chính sách bảo đảm chỗ ở tập thể hoặc được thuê nhà ở công vụ theo quy định của Luật Nhà ở và các điều kiện thiết yếu khi đến công tác tại “vùng nông thôn” cũng được đề nghị đánh giá rõ tác động.

Làm rõ nguồn ở đâu để bố trí chi lương cho nhà giáo

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá chính sách tiền lương và đãi ngộ với nhà giáo là một trong những nội dung đột phá, đảm bảo thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo.

Tuy cơ bản đồng tình với các chính sách quy định trong dự thảo luật, nhưng ông Tùng đề nghị Chính phủ cần lý giải đầy đủ hơn và lập luận cho thuyết phục.

Ví dụ như dự thảo luật đang đề xuất giữ lại rất nhiều khoản phụ cấp với nhà giáo, trong khi Nghị quyết 27 của Trung ương về cải cách tiền lương đặt vấn đề phải thu hẹp hoặc hợp nhất một số loại phụ cấp, đặc biệt là các phụ cấp theo nghề, phụ cấp thu hút…

Vì vậy cần phải lý giải, phân tích đầy đủ, thuyết phục, đặt trong bối cảnh cải cách chính sách tiền lương.

TranThanhMan
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: QH

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn băn khoăn: Nguồn này ở đâu, lấy từ chỗ nào để bố trí chi lương cho nhà giáo khi áp dụng các chính sách mới theo dự thảo luật.

Ông đề nghị đánh giá kỹ lưỡng để bảo đảm tính khả thi, công bằng trong mối tương quan với các đối tượng ưu tiên khác.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Nội vụ đã đặt ra các chính sách tháo gỡ nguồn lực, tạo những ưu đãi cho đội ngũ giáo viên trong công tác tuyển dụng, sử dụng.

Ví dụ như hiện nay quy định viên chức không có điều động nhưng dự luật lần này quy định về việc điều động với nhà giáo để góp phần hạn chế tình trạng thừa, thiếu giáo viên.

Hay như quy định viên chức không được phép làm cho 2 đơn vị sự nghiệp cùng một lúc thì dự luật lần này cho phép giáo viên dạy liên trường, liên cấp là những chính sách Bộ Chính trị kết luận và có thể xử lý một cách rất kịp thời với thực tiễn hiện nay.

Ngoài ra, Bộ Nội vụ thống nhất rất cao với dự luật khi đã nghiên cứu, bổ sung những chính sách ưu đãi với nhà giáo như kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với nhà giáo có trình độ cao như giáo sư, tiến sĩ hoặc những chính sách trong tuyển dụng.

'Nếu đưa nhà giáo ra khỏi viên chức Nhà nước sẽ là một thiệt thòi rất lớn'

‘Nếu đưa nhà giáo ra khỏi viên chức Nhà nước sẽ là một thiệt thòi rất lớn’

PGS.TS Lê Minh Thông cho rằng, nếu đưa nhà giáo ra khỏi Luật Viên chức như dự Luật Nhà giáo thì sẽ đẩy một bộ phận 70% viên chức rời khỏi khu vực viên chức Nhà nước, đó là một thiệt thòi rất lớn cho giáo viên.
Cần cơ chế đãi ngộ, tăng lương giáo viên, tránh 'sống lâu lên lão làng'

Cần cơ chế đãi ngộ, tăng lương giáo viên, tránh ‘sống lâu lên lão làng’

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường lưu ý, dự thảo Luật Nhà giáo cần quy định chế độ đãi ngộ với giáo viên, thu hút người tài trong lĩnh vực giáo dục, tránh tình trạng “sống lâu lên lão làng”.
Nguồn nào để tăng lương cho giáo viên, bác sĩ?

Nguồn nào để tăng lương cho giáo viên, bác sĩ?

Sau khi tính toán chính sách tiền lương mới theo cải cách tiền lương, nhiều cử tri ngành giáo dục cho rằng, lương mới chưa tương xứng với những công việc của các nhà giáo đang làm, thậm chí còn thấp hơn so với lương hiện nay.