Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/7/2015 hướng dẫn thực hiện Điều 52 Luật Việc làm và một số điều của Nghị định 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/2/2024.
Bổ sung hướng dẫn tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp
Căn cứ khoản 2 Điều 1 Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH, mỗi tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp vẫn được tính từ ngày người lao động bắt đầu hưởng trợ cấp đến ngày đó của tháng sau trừ 01 ngày. Tuy nhiên với trường hợp trường hợp tháng sau không có ngày tương ứng thì ngày kết thúc của tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp là ngày cuối cùng của tháng đó.
Ví dụ được Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH đưa ra như sau: Ông Cao Văn D được hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian là 05 tháng, từ ngày 01/01/2022 đến ngày 31/5/2022. Như vậy, tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp của ông D được xác định như sau: Tháng hưởng thứ nhất là từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/01/2022; Tháng hưởng thứ hai là từ ngày 01/02/2022 đến hết ngày 28/02/2022; Tháng hưởng thứ ba là từ ngày 01/3/2022 đến hết ngày 31/3/2022; Tháng hưởng thứ tư là từ ngày 01/4/2022 đến hết ngày 30/4/2022; Tháng hưởng thứ năm là từ ngày 01/5/2022 đến hết ngày 31/5/2022.
Thêm trường hợp được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp
Khoản 4 Điều 1 Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH đã bổ sung thêm một trường hợp được tính bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp, đó là trường hợp người lao động được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận bổ sung thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Nếu người lao động có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 36 tháng trở lên làm căn cứ để giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp thì thời gian đóng bảo hiểm được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận bổ sung sẽ được bảo lưu để làm cơ sở tính hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.
Còn nếu người lao động có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp dưới 36 tháng làm căn cứ để giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp thì thời gian đóng bảo hiểm được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận bổ sung được bảo lưu theo nguyên tắc sau:
Số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp được xác nhận bổ sung để bảo lưu = Số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp đã xét hưởng trợ cấp thất nghiệp + Số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp xác nhận bổ sung – Số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với số tháng đã nhận tiền trợ cấp thất nghiệp – Số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng số tháng bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp
Hai trường hợp không được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp
Cũng theo khoản 4 Điều 1 Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH, người lao động cần lưu ý 2 trường hợp không được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa được hưởng trợ cấp thất nghiệp sau đây:
Thứ nhất, người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng thì chỉ được giải quyết hưởng tối đa 12 tháng trợ cấp thất nghiệp còn số tháng còn lại chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ không được bảo lưu.
Thứ hai, số tháng lẻ chưa hưởng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu tại quyết định hưởng sẽ không được bảo lưu khi người lao động thuộc một trong 3 trường hợp: Không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp; Bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp; Bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH nêu rõ, các trường hợp không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp, bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu không bao gồm số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp đã được cơ quan bảo hiểm xã hội bảo lưu.
Bỏ quy định về các trường hợp không cần thông báo tìm kiếm việc làm hằng tháng
Đây cũng là một trong những hướng dẫn mới về hưởng bảo hiểm thất nghiệp từ 15/2/2024.
Cụ thể, khoản 8 Điều 1 Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH nêu rõ, bãi bỏ khoản 2 Điều 10 của Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH.
Như vậy, từ ngày 15/2/2024, không còn trường hợp người lao động được miễn thông báo về tình hình tìm kiếm hằng tháng. Thay vào đó, các trường hợp này được bổ sung vào nhóm các trường hợp không phải trực tiếp thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm.
Theo đó, người lao động tuy không phải trực tiếp thông báo tình hình tìm kiếm việc làm nhưng phải thông tin cho trung tâm dịch vụ việc làm (thông qua điện thoại, thư điện tử, fax, …) về lý do không phải trực tiếp đến thông báo và trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày cuối cùng của hạn thông báo, đồng thời gửi thư bảo đảm hoặc ủy quyền cho người khác nộp bản chính hoặc bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh thuộc trường hợp không phải thông báo trực tiếp đến trung tâm dịch vụ việc làm.
Tuệ Minh