Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây cho biết, trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2023, Bộ tiếp tục quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (còn gọi là điểm sàn) nhóm ngành đào tạo giáo viên và ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề. Các ngành đào tạo khác do cơ sở đào tạo quy định.
Ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào của các nhóm ngành được tính theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho đối tượng thí sinh ở khu vực 3 có mức điểm tối thiểu (không nhân hệ số) của tất cả tổ hợp gồm 3 bài thi, môn thi.
Theo kế hoạch dự kiến, ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào nhóm ngành đào tạo giáo viên và ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố vào ngày 20-7-2023. Thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào hai nhóm ngành này cần lưu ý để bảo đảm đủ điều kiện trúng tuyển.
Năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào của hai nhóm ngành này vào ngày 29-7. Theo đó, ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học là 19,0 điểm.
Riêng đối với ngành giáo dục thể chất, ngành sư phạm âm nhạc và ngành sư phạm mỹ thuật là 18,0 điểm đối với tổ hợp xét tuyển 3 môn văn hóa; các tổ hợp xét tuyển khác thực hiện theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành.
Còn ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề trình độ đại học năm 2022 là từ 19,0 đến 22,0 điểm, tùy từng ngành.
Năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo không ban hành quy chế tuyển sinh mới, công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non cơ bản ổn định như năm trước. Thí sinh đăng ký xét tuyển theo hình thức trực tuyến với số lượng nguyện vọng không giới hạn. Điểm mới nữa mà thí sinh cần lưu ý là quy định điều chỉnh điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (theo thang điểm 10 và tổng điểm tối đa là 30) sẽ giảm dần. Thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp trung học phổ thông và một năm kế tiếp. Các cơ sở đào tạo và thí sinh cần nắm rõ sự điều chỉnh này để có sự chủ động.
NGỌC LÂM
Số hóa dữ liệu gần 25,5 triệu giáo viên, học sinh
Ngày 20-12, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo chuyển đổi số trong giáo dục.
50.000 cán bộ quản lý, giáo viên được bồi dưỡng về chương trình giáo dục phổ thông 2018
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học năm 2022 và định hướng phát triển giai đoạn 2023 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 diễn ra tại Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh chiều 28-2 với sự tham gia của đại diện ngành giáo dục và đào tạo, các trường cao đẳng, trung cấp khu vực phía Nam.