Ngày 20-11, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo. Các nội dung liên quan chính sách đặc thù về tiền lương, tuyển dụng nhà giáo, dạy thêm đã nhận được nhiều ý kiến thảo luận của đại biểu.
Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị dự luật cần bổ sung những quy định đặc thù thể hiện sự tôn vinh, tôn trọng đối với nhà giáo.
Đề xuất có bảng lương riêng với nhà giáo
Trong đó, các đại biểu Quốc hội thống nhất cao với quy định lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Tuy nhiên một số đại biểu đề nghị cần xây dựng một bảng lương riêng cho nhà giáo.
Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề nghị một là xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo, đảm bảo mức lương cao hơn rõ ràng so với các ngành khác trong khối hành chính sự nghiệp.
Cùng với đó, ông đề nghị là tăng phụ cấp ưu đãi nghề, đặc biệt ở các khu vực khó khăn với tỉ lệ phụ cấp từ 50 – 100% tùy theo mức độ đặc thù của từng địa phương.
Đồng thời quy định rõ mức độ ưu tiên và cơ chế thực thi cho nhà giáo, ngành nghề đặc thù, đảm bảo công bằng hiệu quả.
Còn đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) dẫn chứng nhà giáo đang chiếm 70% đội ngũ viên chức của toàn bộ lực lượng của xã hội, trong khi lại áp bảng lương của hệ thống viên chức cho đội ngũ nhà giáo.
Theo ông Cường, kể cả việc chúng ta nói rằng xếp ở mức cao nhất, điều đấy cũng là không phù hợp. Do vậy, ông này đồng tình việc cần xây dựng một bảng lương riêng cho nhà giáo để phù hợp với đặc điểm và vị trí công việc của mỗi người thầy.
Bên cạnh đó, chế độ tiền lương phải bù đắp thỏa đáng hao phí lao động để nhà giáo yên tâm, say sưa, tâm huyết với nghề, không phải lo làm thêm để kiếm sống…
Dự luật trao quyền tuyển dụng nhà giáo cho cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tuyển dụng hoặc phân cấp, ủy quyền hoặc người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng.
Nhiều đại biểu tán thành quy định này. Đại biểu Trần Văn Thức (Thanh Hóa) đánh giá đây là quy định rất quan trọng, có thể tháo gỡ ngay những vấn đề khó khăn, nhất là ngày càng trầm trọng về vấn đề thừa – thiếu giáo viên từ nhiều năm nay ở nhiều địa phương.
Chủ trương không cấm dạy thêm
Đề cập về việc học thêm – dạy thêm, đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đồng Nai) cho rằng Bộ GD&ĐT cần phối hợp với các cơ quan để đưa ra quy định cụ thể cũng như cơ chế quản lý đối với vấn đề này… Thực chất việc học thêm là một nhu cầu cần thiết của xã hội.
Tuy nhiên xã hội hiện nay đang có hai luồng dư luận gồm: một là cấm, hai là quản lý. Nhiều công nhân tăng ca buổi chiều không đón con được nên rất muốn gửi con cho thầy cô giáo đưa về nhà để quản lý và đến tối mới đón con về. Do đó ông cho rằng luật cần có cơ chế quản lý về việc dạy thêm – học thêm.
Đại biểu Chamaléa Thị Thủy (Ninh Thuận) cũng nêu quan điểm cần nhìn nhận thấu đáo vấn đề dạy thêm – học thêm vì đó là nhu cầu có thật của người học, nhất là ở các đô thị lớn. Những học sinh đặt mục tiêu cao nên có nhu cầu tìm thầy cô giáo giỏi học thêm.
Liên quan nội dung đảm bảo lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết khi xây dựng các văn bản luật và theo chỉ đạo của Tổng Bí thư cũng phải nhìn cùng các ngành khác.
Ông nêu rõ cũng không muốn ngành của mình có gì đặc quyền, đặc lợi hay ưu ái bất thường. Ông cho rằng khi xét là đột phá chiến lược, quốc sách hàng đầu dứt khoát phải có sự ưu tiên.
Về dạy thêm, bộ trưởng nêu rõ bộ đang chủ trương không cấm việc dạy thêm nhưng cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức của nhà giáo, vi phạm những nguyên tắc chuyên môn. Tức cấm một số hành vi ép buộc của nhà giáo trong vấn đề này.
Trong quá trình hoàn thiện dự thảo luật, việc xây dựng hình ảnh người thầy giáo mẫu mực, đáng kính trong xã hội mặc dù là nội dung khó nhưng lại rất quan trọng mà tôi cho rằng Luật Nhà giáo lần này cần phải hướng đến.
Điều mà tôi mong muốn nhất đó là sau khi luật này được ban hành, hình ảnh và chuẩn mực người thầy phải được chính họ tôn trọng để được xã hội tôn vinh, xứng đáng với sứ mệnh trồng người, truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta.
Đại biểu DƯƠNG VĂN PHƯỚC (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam)
Cần cơ chế đặc thù dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam
Cũng thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, nhiều đại biểu đề xuất cần mở rộng hướng tuyến dự án và băn khoăn việc huy động nguồn vốn để đảm bảo tính khả thi, đúng tiến độ cũng như tăng năng lực tự chủ, tham gia của các nhà đầu tư tư nhân vào dự án.
Kiến nghị cần mở rộng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam từ điểm đầu Lạng Sơn tới điểm cuối Cà Mau, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cho rằng việc mở rộng tuyến giúp thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội đồng bộ, vừa thúc đẩy xuất khẩu, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) cũng mong muốn mở rộng đến hai điểm địa đầu Tổ quốc, hoặc có thể kết nối tuyến đường sắt tới Cần Thơ để phát huy nguồn lực của vùng.
Còn đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) băn khoăn về vốn đầu tư khi đây là dự án có quy mô vốn lớn với hơn 67 tỉ USD, gần bằng tổng thu ngân sách một năm.
Từ thực trạng các dự án đầu tư công hiện nay, ông đề nghị Chính phủ cung cấp thêm thông tin về khả năng cung cấp vốn cũng như đề nghị cần có cơ chế huy động nguồn lực trong dân để triển khai đầu tư.
Giải trình các ý kiến, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh dự án được nghiên cứu rất dài với 18 năm, hồ sơ được tham khảo kỹ lưỡng các nước, nên khẳng định thời điểm 2027 là thích hợp để triển khai đầu tư. Dự án cũng phù hợp với quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của các vùng và địa phương liên quan, quy hoạch sử dụng đất…
Về phạm vi dự án, việc lựa chọn điểm đầu và điểm cuối là Hà Nội và TP.HCM là do đoạn tuyến đường sắt kết nối với Lạng Sơn và Cần Thơ đã có dự án riêng. Đây là những dự án đường sắt khổ tiêu chuẩn chở hành khách và hàng hóa.
Nguồn: https://tuoitre.vn/quy-dinh-dac-thu-de-ton-vinh-nha-giao-20241121081624538.htm