Tăng tính công khai, minh bạch trong thu hồi đất
Luật Đất đai (sửa đổi) đã tăng tính công khai, minh bạch trong thực thi và giám sát việc thu hồi đất thông qua quy định cụ thể về thẩm quyền, điều kiện, tiêu chí, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh và để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Theo đó, tại Điều 78 quy định 10 trường hợp được thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh cơ bản giữ nguyên như Luật Đất đai 2013 nhưng có bổ sung thêm một số trường hợp cụ thể nhằm bảo đảm tính toàn diện, phù hợp với thực tế như: công trình thông tin quân sự (khoản 4); cơ sở an dưỡng, điều dưỡng, nghỉ dưỡng và phục hồi chức năng; cơ sở khám chữa bệnh (khoản 8); cơ sở tạm giam, tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng và khu lao động, cải tạo, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân, trại viên, học sinh (khoản 10).
Đối với các dự án phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, ngay từ đầu Điều 79 đã khẳng định mục đích thu hồi đất: Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết để thực hiện dự án phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội theo hướng hiện đại, thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản văn hóa. Quan điểm này được thể hiện rất rõ trong việc quy định 31 trường hợp được thu hồi đất.
Cụ thể như: vẫn quy định dự án đầu tư xây dựng khu đô thị; dự án khu dân cư nông thôn (khoản 27) thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất, có kế thừa quy định của Luật Đất đai năm 2013, nhưng kỹ thuật trình bày đã làm rõ hơn tính chất của dự án khu đô thị thuộc trường hợp xem xét thu hồi là dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng để xây dựng mới hoặc cải tạo, chỉnh trang đô thị.
Tại khoản 31, quy định về trường hợp thu hồi đất đối với dự án đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư; quy định này hướng đến việc tháo gỡ những vướng mắc trong việc tổ chức kinh tế triển khai các dự án trọng điểm, nhất là tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài, tạo động lực phát triển kinh tế trên cả nước. Bên cạnh đó, khoản 32 Điều 79 là một quy định mở, tạo căn cứ pháp lý để Quốc hội có thể kịp thời sửa đổi, bổ sung các trường hợp thu hồi đất chưa được quy định trong Luật Đất đai 2024 tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh.
Ngoài ra, tại khoản 29 quy định trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số để thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Việc tách nội dung này thành một khoản riêng thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước về sự quan tâm đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện Nghị quyết 88/2019/QH14 của Quốc hội.
Đẩy mạnh phân cấp, tăng thẩm quyền, tạo chủ động cho cơ sở
So với quy định tại Điều 66, Luật Đất đai 2013; Điều 83, Luật Đất đai (sửa đổi) đưa ra quy định mới về thẩm quyền thu hồi đất, phân cấp thẩm quyền thu hồi đất theo mục đích thu hồi, ít dựa vào tiêu chí chủ thể bị thu hồi (là cá nhân hay tổ chức đang sử dụng đất). Cụ thể như UBND cấp tỉnh thu hồi đất đối với tổ chức trong nước, tổ chức tôn giáo, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và một số chủ thể khác trong các trường hợp: thu hồi do vi phạm pháp luật đất đai; chấm dứt việc sử dụng đất; người sử dụng đất tự nguyện trả lại; có nguy cơ đe dọa tính mạng con người. Tại khoản 3 Điều 83 cũng quy định nếu thu hồi đất theo Luật Đất đai thì không phải sắp xếp tài sản công quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, tăng thẩm quyền cho UBND cấp huyện thực hiện thu hồi đất mà không phân biệt chủ thể sử dụng đất trong các trường hợp: thu hồi đất vì mục đích quốc phòng – an ninh, phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Hoặc thu hồi đất với hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có (i) vi phạm pháp luật đất đai hoặc (ii) tự nguyện trả lại, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.
Chương VI cũng quy định cụ thể căn cứ, điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng – an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; bổ sung một số trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai, do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, thu hồi đất liên quan đến quốc phòng – an ninh…
Theo đánh giá của các chuyên gia, những quy định nêu trên của Luật Đất đai (sửa đổi) đẩy mạnh phân cấp, tăng thẩm quyền, tạo chủ động, thuận lợi cho chính quyền cơ sở trong việc thu hồi đất nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh ở địa phương.