Lễ trao giải thưởng dự án Âm thanh tình anh em: Khám phá tài năng sáng tạo do Quỹ Dàn nhạc trẻ thế giới (World Youth Orchestra Foundation – WYO) phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) tổ chức tối 5-9 tại Hà Nội.
Tám giải được trao thuộc ba loại hình: nghệ thuật thị giác, âm nhạc, sân khấu.
Tôn vinh những thực hành nghệ thuật gắn với vấn đề về môi sinh
Ở loại hình nghệ thuật thị giác, ban tổ chức trao cho bốn dự án.
Dự án Have a good rest – Chúc nghỉ ngon của Trần Thảo Miên.
Trong dự án này Thảo Miên đã thể hiện được tư duy sáng tạo nguyên bản trong việc khám phá, tái thể hiện các yếu tố về di sản, thủ công và giá trị văn hóa địa phương trong một dự án nghệ thuật sắp đặt, bộc lộ cách tiếp cận chậm rãi khi thực hành sáng tạo nghệ thuật trong bối cảnh chuyển động nhanh của xã hội hiện nay.
Dự án Bug – Bọ của Bùi Bảo Trâm (Rab).
Dự án của Trâm Rab gây ấn tượng với ban giám khảo bởi lối kể chuyện bằng những cấu trúc đường nét có tính tạo hình cao.
Sự tối giản về màu sắc và cách diễn hình đã cho thấy tác phẩm đáp ứng không chỉ có tính sáng tạo, độc đáo mà còn thể hiện một cách mạnh mẽ thông điệp của nghệ sĩ: “Linh hồn không biến mất mà trải qua sự biến đổi giữa các cơ thể để hiểu được từng bài học”.
Dự án White coral – San hô trắng của Nguyễn Thị Mỹ Dung (Mzung Nguyen).
Theo ban giám khảo, Mỹ Dung đã nỗ lực thực hành một dự án nghệ thuật đặc thù nơi chốn gắn kết chặt chẽ tư duy sáng tạo nghệ thuật, năng lực nghiên cứu bài bản về sinh thái học nhân văn, sự cam kết dấn thân của nghệ sĩ trong thực hành nghệ thuật gắn với vấn đề về môi sinh, môi trường và phát triển bền vững.
Dự án Dream World – Thế giới trong mơ của Bùi Duy Mạnh và Lưu Trọng Việt (Trường Greenwich University Vietnam).
Dự án nổi bật ở khả năng truyền tải thông điệp, xúc cảm mạnh mẽ về mặt thị giác.
Cách biểu đạt trong từng hình ảnh cho thấy sự bức bối, ngột ngạt trước sự xâm lấn tràn lan từ thói quen sử dụng túi ni lông trong tiêu dùng của con người hiện nay.
Chiến thắng của học thuật và đam mê
Lĩnh vực âm nhạc trao cho hai dự án: Ballet Symphony Hoài Văn Hầu – Trần Quốc Toản của Nguyễn Ngọc Tú và Hương sen Đồng Tháp của Nguyễn An Như.
Ban giám khảo đánh giá Nguyễn Ngọc Tú trong dự án Ballet Symphony Hoài Văn Hầu – Trần Quốc Toản có sự chuẩn bị học thuật tỉ mỉ và khả năng sáng tạo âm nhạc xuất sắc, kết hợp khéo léo giữa các yếu tố truyền thống Việt Nam với ngôn ngữ đương đại giàu màu sắc và sắc thái.
An Như được trao giải vì niềm đam mê, khả năng biểu diễn của cô, cũng như sự chăm chút tỉ mỉ đối với các quy trình kỹ thuật và âm nhạc liên quan đến nhạc cụ và khả năng sáng tạo tuyệt vời trong việc ứng tác âm nhạc.
An Như là người khiếm thị, hiện là sinh viên năm cuối Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam tại Hà Nội.
Lĩnh vực sân khấu trao giải cho hai dự án: Kịch câm trở lại của Nguyễn Hoàng Tùng và Form is emptiness – Cơ thể 0 của Trần Diễm Phương.
Nguyễn Hoàng Tùng gây ấn tượng với ban giám khảo nhờ sự chuyên nghiệp và quyết tâm mà anh đã thể hiện trong việc bảo vệ thể loại kịch câm.
Trần Diễm Phương gây ấn tượng với ban giám khảo nhờ cá tính nghệ thuật mạnh mẽ trong sự sáng tạo và nền tảng đa dạng mà cô dành cho xã hội.
Giải thưởng được trao cho Diễm Phương với mong muốn để cô tiếp tục nghiên cứu nghệ thuật của mình nhằm nuôi dưỡng những hạt giống tự do thông qua biểu diễn.
Hoàng Tùng là nghệ sĩ sân khấu tài danh, hiện giảng dạy tại Trường đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, còn Diễm Phương là nghệ sĩ múa trẻ đang làm việc tự do với các dự án sân khấu mới mẻ trên khắp cả nước.
Nguồn: https://tuoitre.vn/quy-dan-nhac-tre-the-gioi-trao-giai-cho-tam-du-an-nghe-thuat-cua-viet-nam-20240905221331479.htm