Lộ rõ những sai lầm nghiêm trọng
Theo điều chỉnh của liên Bộ Công Thương – Tài chính ngày 21.8, giá xăng RON 95 và E5 RON 92 tăng lần lượt 610 đồng và 510 đồng một lít, lên mức tương ứng 23.339 đồng/lít với xăng E5 RON 92 và 24.601 đồng/lít với xăng RON 95. Đây là lần thứ 5 liên tiếp giá xăng được điều chỉnh tăng trong vòng 2 tháng qua.
Trong kỳ điều chỉnh lần này, Bộ Công Thương tiếp tục không thực hiện trích lập vào Quỹ bình ổn giá xăng dầu với tất cả các mặt hàng. Tuy nhiên, đáng chú ý là cơ quan điều hành cũng dừng chi sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu, bao gồm cả việc dừng chi sử dụng quỹ với dầu mazut.
Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng liên tục, việc không chi sử dụng Quỹ bình ổn trong nhiều kỳ liên tiếp đặt ra vấn đề với nhà điều hành: Liệu quỹ bình ổn xăng dầu có thực sự phát huy được hết vai trò kiềm chế đà tăng giá trong thời gian qua hay không?
Trao đổi với Lao Động, một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở TPHCM cho biết, từ đầu năm đến cuối tháng 7, Quỹ bình ổn tăng mạnh, nhưng việc chi rất nhỏ giọt và không được duy trì trong những thời điểm giá thế giới tăng mạnh.
Theo vị này, giá xăng dầu thế giới điều chỉnh theo ngày luôn phản ánh đúng quy luật thị trường. Nhưng trong nước quản lý điều hành theo chu kỳ 10 ngày một lần, nên tạo nên độ vênh giá rất lớn.
Do đó, cần sự nhịp nhàng của cơ quan điều hành. Quỹ bình ổn là công cụ duy nhất, song lại không được sử dụng hợp lý.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa – Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho biết, Quỹ bình ổn xăng dầu hoạt động theo cơ chế trích lập trong giá (thu của dân thông qua giá bán mỗt lít xăng dầu) một khoản tiền để hình thành quỹ và chỉ phục vụ mục tiêu bình ổn giá khi giá xăng dầu thế giới tăng cao đẩy giá vốn trong nước tăng cao.
Tuy nhiên, theo ông, ngay từ năm ngoái, việc sử dụng quỹ này đã lộ rõ những sai lầm nghiêm trọng trong điều hành.
“Nhà điều hành sai lầm khi chi quỹ quá nhiều vào thời điểm giá tăng liên tục (đầu năm 2022), song lại không dự báo được giá sẽ còn tăng cao sau đó (từ tháng 4-6.2022). Điều này để xảy ra tình trạng giá xăng dầu tăng mạnh thì hết quỹ, và lúc ấy lại đi trích quỹ thì lại càng bất ổn, đi ngược với mục đích của việc bình ổn giá”, ông Thoả nói.
Với việc trích lập hiện nay, ông Thoả cho rằng, có dấu hiệu lặp lại những bất ổn trong điều hành.
Bởi thực tế, hiện nay là thời điểm kinh tế đang “tổn thương”, rất cần bình ổn giá, nhất là mặt hàng dầu diesel – chiếm 60% tổng sản lượng nhiên liệu trên thị trường.
“Dầu diesel liên quan trực tiếp đến lĩnh vực hoạt động sản xuất, ngành vận tải, ngành sản xuất công nghiệp, các ngành công nghiệp phụ trợ… Do vậy, việc tăng giá liên tục thời gian qua với mặt hàng này, nhưng nhà điều hành vẫn không chi quỹ là sai lầm”, ông Thoả nhận định.
Mạnh dạn bỏ Quỹ bình ổn
Theo ông Nguyễn Tiến Thoả, việc chi nhỏ giọt quỹ lại càng khó hiểu khi trước đó, Bộ Công Thương tính toán, trong quý III, giá xăng trong nước cao nhất chỉ có thể lên ngưỡng 23.049 đồng/lít – tức, giá dự báo thấp hơn giá thực tế hiện nay.
Điều này được hiểu là mức giá hiện nay có thể đã là tới hạn. Nếu như vậy, việc giữ quỹ vô hình chung làm ảnh hưởng đến kiểm soát lạm phát và phục hồi kinh tế, gây khó khăn cho người dân… trái với mục tiêu quỹ đề ra.
Theo công bố của liên Bộ Công Thương – Tài chính, từ ngày 14.2.2023 đến 1.8.2023, cơ quan điều hành không chi quỹ đối với các mặt hàng xăng E5 RON92, xăng RON 95, dầu diesel.
Từ ngày 1.8.2023 đến 11.8.2023, liên bộ chi quỹ 400 đồng/lít đối với dầu diesel, 300 đồng đối với dầu hỏa.
Từ 11.4.2023 đến 21.4.2023 chi quỹ 300 đồng/kg đối với dầu mazut. Từ 11.8.2023 đến 21.8.2023 chi quỹ 150 đồng/kg đối với dầu mazut.
Về trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu: Kỳ điều hành giá 21.6.2023 đến 3.7.2023, liên Bộ Công Thương – Tài chính trích lập 139 đồng/lít RON 95; 100 đồng/lít với dầu DO 005S; 100 đồng/lít với dầu hỏa và 100 đồng/kg với dầu mazut. Còn kỳ điều hành giá 1.8.2023 đến 11.8.2023, thực hiện trích lập 400 đồng/lít DO 0.005S.
Như vậy, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã không thực thi chức năng chi sử dụng trong suốt giai đoạn khoảng 2 tháng nay khiến giá xăng dầu tăng 5 lần liên tiếp.
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Xuân Thắng – Giám đốc Công ty TNHH Hải Âu Phát (Lâm Đồng) cho hay, quỹ Bình ổn giá xăng dầu hiện nay đã không còn là công cụ hữu hiệu để quản lý giá xăng dầu theo hướng thị trường như hiện nay.
Với lượng tồn quỹ trên 7.400 tỉ đồng (tương đương trên 300 triệu lít xăng dầu) hiện nay, đủ sức đáp ứng nhu cầu lưu thông tiêu dùng cho 4 ngày.
Do vậy, cần sử dụng một phần lượng dư tiền của quỹ để xây dựng kho dự trữ quốc gia để sử dụng khi thị trường có dấu hiệu dị biệt.
“Nói một cách khách quan, hiện nay, Quỹ bình ổn xăng dầu là một loại quỹ không còn nhiều giá trị hiệu dụng, thậm chí vô tác dụng, có thể trở thành gánh nặng, hạn chế trong việc thúc đẩy thị trường phát triển. Cho nên, cần mạnh dạn khai tử quỹ này”, ông Nguyễn Xuân Thắng nói.