Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc VN quyết định tổ chức tang lễ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nghi thức Quốc tang, trong 2 ngày 25 – 26.7.
Theo thông cáo đặc biệt được phát đi chiều 20.7, Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản VN, Quốc hội nước CHXHCN VN, Chủ tịch nước CHXHCN VN, Chính phủ nước CHXHCN VN, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc VN quyết định tổ chức tang lễ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nghi thức Quốc tang.
Thông cáo nêu rõ, sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, y bác sĩ đầu ngành tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao bệnh nặng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từ trần hồi 13 giờ 38 phút ngày 19.7.2024 (tức ngày 14 tháng 6 năm Giáp Thìn) tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, Hà Nội, hưởng thọ 80 tuổi.
Gần 60 năm công tác, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của VN và quốc tế.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân ta và gia quyến của ông.
Để tỏ lòng tiếc thương và tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản VN, Quốc hội nước CHXHCN VN, Chủ tịch nước CHXHCN VN, Chính phủ nước CHXHCN VN, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc VN quyết định tổ chức tang lễ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng theo nghi thức Quốc tang.
Linh cữu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được quàn tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, TP.Hà Nội.
Lễ viếng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia, bắt đầu từ 7 giờ đến 22 giờ ngày 25.7 và từ 7 giờ đến 13 giờ ngày 26.7.
Lễ truy điệu được tổ chức từ 13 giờ ngày 26.7 tại Nhà tang lễ Quốc gia. Lễ an táng lúc 15 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, TP.Hà Nội.
Lễ viếng, Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM và tại quê nhà xã Đông Hội, H.Đông Anh, TP.Hà Nội.
Đài truyền hình VN và Đài tiếng nói VN sẽ tường thuật trực tiếp Lễ viếng, Lễ truy điệu và Lễ an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội, TP.HCM.
Trong 2 ngày Quốc tang, các cơ quan, công sở, nơi công cộng treo cờ rủ, không tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí công cộng.
Tóm tắt tiểu sử Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh ngày 14.4.1944; quê quán: xã Đông Hội, H.Đông Anh, TP.Hà Nội. Thường trú tại nhà số 5 phố Thiền Quang, P.Nguyễn Du, Q.Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội. Tham gia công tác ngày 5.12.1967; vào Đảng ngày 19.12.1967.
Quá trình công tác:
Tháng 12.1967: Ông làm cán bộ Phòng Tư liệu Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản). Ngày 19.12.1967, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản VN.
Tháng 8.1968 – tháng 8.1973: Ông là cán bộ biên tập Tạp chí Cộng sản; đi thực tế ở H.Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội); làm Bí thư Chi đoàn cơ quan Tạp chí Cộng sản.
Tháng 9.1973 – tháng 4.1976: Ông làm nghiên cứu sinh Khoa Kinh tế – Chính trị tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).
Tháng 5.1976 – tháng 8.1980: Ông làm cán bộ biên tập Ban Xây dựng Đảng, Tạp chí Cộng sản, Phó bí thư Chi bộ.
Tháng 9.1980 – tháng 8.1981: Ông học Nga văn tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc.
Tháng 9.1981 – tháng 7.1983: Ông là thực tập sinh và bảo vệ luận án Phó tiến sĩ (nay là Tiến sĩ) Khoa học lịch sử (chuyên ngành Xây dựng Đảng) ở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Liên Xô, trực thuộc Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Liên Xô.
Tháng 8.1983 – tháng 8.1987: Ông làm Phó ban Xây dựng Đảng, Tạp chí Cộng sản.
Tháng 9.1987 – tháng 2.1989: Ông làm Trưởng ban Xây dựng Đảng; Phó bí thư Đảng ủy (từ tháng 7.1985 – tháng 12.1988), Bí thư Đảng ủy cơ quan Tạp chí Cộng sản (tháng 12.1988 – tháng 12.1991).
Tháng 3.1989 – tháng 4.1990: Ông làm Ủy viên Ban biên tập Tạp chí Cộng sản.
Tháng 5.1990 – tháng 7.1991: Ông làm Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản.
Tháng 8.1991 – tháng 8.1996: Ông làm Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản.
Tại Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (tháng 1.1994), ông được bầu vào Ban Chấp hành T.Ư Đảng. Ông là Ủy viên T.Ư các khóa VII, VIII, IX, X, XI, XII, XIII.
Tháng 8.1996 – tháng 2.1998: Ông làm Phó bí thư Thành ủy Hà Nội, kiêm Trưởng ban cán sự Đại học và trực tiếp phụ trách Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội.
Tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa VIII (tháng 12.1997), ông được bầu vào Bộ Chính trị. Ông là Ủy viên Bộ Chính trị các khóa VIII, IX, X, XI, XII, XIII.
Tháng 2.1998 – tháng 1.2000: Ông phụ trách công tác Tư tưởng – Văn hóa và Khoa giáo của Đảng.
Tháng 3.1998 – tháng 11.2006: Ông làm Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư; Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, phụ trách công tác lý luận của Đảng (tháng 11.2001 – tháng 8.2006).
Tháng 8.1999 – tháng 4.2001: Ông tham gia Thường trực Bộ Chính trị, Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản VN.
Tháng 1.2000 – tháng 6.2006: Ông làm Bí thư Thành ủy Hà Nội các khóa XII, XIII, XIV.
Tháng 5.2002 đến nay: Ông là đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII, XIII, XIV, XV.
Tháng 6.2006 – tháng 7.2011: Ông làm Chủ tịch Quốc hội khóa XI, XII, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh.
Tháng 1.2011 đến nay: Ông là Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản VN các khóa XI, XII, XIII, Bí thư Quân ủy T.Ư.
Tháng 2.2013 đến nay: Ông làm Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tháng 8.2016 đến nay: Ông tham gia Ban Thường vụ Đảng ủy Công an T.Ư nhiệm kỳ 2015 – 2020 và 2020 – 2025.
Tháng 10.2018 – 4.2021: Ông làm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016 – 2021; Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh.
Tháng 4.2021 đến nay: Ông là Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản VN, Bí thư Quân ủy T.Ư, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an T.Ư, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Do có nhiều công lao to lớn và đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của VN và quốc tế: “Huân chương Vàng quốc gia” của Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, “Huân chương Hữu nghị” của Đảng và Nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, “Giải thưởng Lênin” – giải thưởng cao quý nhất của Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Liên bang Nga; “Huân chương José Marti” của Đảng, Nhà nước Cộng hòa Cuba và nhiều danh hiệu cao quý khác.
Danh sách Ban Lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
1. Ông Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN VN, Trưởng ban Lễ tang.
2. Ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN VN.
3. Ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN VN.
4. Ông Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng.
5. Ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc VN.
6. Ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tổ chức T.Ư.
7. Ông Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư.
8. Ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Nội chính T.Ư.
9. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư.
10. Ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
11. Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
12. Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư.
13. Bà Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội.
14. Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM.
15. Ông Lê Hoài Trung, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Đối ngoại T.Ư.
16. Ông Lê Minh Khái, Bí thư T.Ư Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ.
17. Bà Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó chủ tịch nước CHXHCN VN.
18. Ông Nguyễn Khắc Định, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội.
19. Ông Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên T.Ư Đảng, Chánh văn phòng T.Ư Đảng.
20. Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Công an.
21. Ông Lê Minh Trí, Ủy viên T.Ư Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
22. Ông Trần Văn Sơn, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
23. Ông Lê Khánh Hải, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước.
24. Ông Bùi Văn Cường, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
25. Ông Bùi Thanh Sơn, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
26. Bà Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
27. Ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN.
28. Ông Lương Quốc Đoàn, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân VN.
29. Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân VN.
30. Ông Phạm Tất Thắng, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận T.Ư.
31. Bà Hà Thị Nga, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ VN.
32. Ông Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản.
33. Ông Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
34. Ông Đào Đức Toàn, Trợ lý Tổng Bí thư, Phụ trách Văn phòng Tổng Bí thư.
35. Thượng tướng Bế Xuân Trường, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh VN.
Danh sách Ban tổ chức Lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
1. Ông Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban.
2. Ông Lê Minh Khái, Bí thư T.Ư Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ, Phó ban.
3. Ông Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên T.Ư Đảng, Chánh văn phòng Trung ương Đảng, Phó ban.
4. Ông Hoàng Đăng Quang, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng ban Tổ chức T.Ư.
5. Ông Trần Văn Rón, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư.
6. Ông Võ Văn Dũng, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Nội chính T.Ư.
7. Ông Lại Xuân Môn, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư.
8. Bà Lâm Thị Phương Thanh, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó chánh văn phòng thường trực Văn phòng T.Ư Đảng.
9. Ông Phạm Tất Thắng, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận T.Ư.
10. Ông Lê Khánh Hải, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước.
11. Ông Trần Văn Sơn, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
12. Ông Bùi Văn Cường, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
13. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ TT-TT.
14. Bà Đào Hồng Lan, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế.
15. Ông Trần Sỹ Thanh, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội.
16. Ông Phan Văn Mãi, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM.
17. Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
18. Trung tướng Nguyễn Trường Thắng, Ủy viên T.Ư Đảng, Tư lệnh Quân khu 7.
19. Ông Nguyễn Minh Vũ, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao.
20. Bà Nguyễn Thị Hoàng Vân, Phó trưởng ban thường trực Ban Đối ngoại Trung ương.
21. Trung tướng Phạm Thế Tùng, Thứ trưởng Bộ Công an.
22. Ông Trần Huy Dụng, Phó trưởng ban điều hành Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ T.Ư.
23. Ông Nguyễn Huy Đông, Thư ký Tổng Bí thư.
24. Trung tướng Trần Hải Quân, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an.
25. Ông Nguyễn Văn Thẩm, Cục trưởng Cục Quản trị A, Văn phòng T.Ư Đảng.
26. Ông Lê Trung Kiên, Bí thư Huyện ủy Đông Anh, TP.Hà Nội.
27. Ông Nguyễn Trọng Trường, đại diện gia đình.
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/quoc-tang-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-trong-hai-ngay-25-267-185240721004037813.htm