Cuộc xung đột Nga-Ukraine khiến các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) buộc phải nhìn nhận lại năng lực phòng thủ của khối này. Sau trạng thái sốc, các nhà lãnh đạo EU đã nhanh chóng nhận ra tình trạng cấp bách của việc phải củng cố quốc phòng để bảo vệ mình trước một thế giới bất ổn, khó dự đoán. Tuy nhiên, theo Tạp chí Foreign Affairs, những vấn đề cơ bản đang gây khó cho quốc phòng EU vẫn chưa được giải quyết.
Khi EU tìm cách tái vũ trang, họ mới nhận ra rằng nền quốc phòng của các nước thành viên EU đang hết sức khập khiễng, biểu hiện ở những nỗ lực phối hợp mua sắm không hiệu quả, nếu không nói là hỗn loạn, khi mỗi quốc gia đều lựa chọn một con đường riêng.
Trong bối cảnh đó, Mỹ nổi lên với vai trò không thể thay thế đối với an ninh EU. Các nhà lãnh đạo EU phải chấp nhận sự phụ thuộc vào Mỹ như một điều tất yếu và thừa nhận việc theo đuổi “quyền tự trị chiến lược” của EU đã kết thúc.
Do đó, các thành viên EU quay lưng lại với nỗ lực hợp tác giữa các nước trong khối. Vậy là động lực ủng hộ cải cách và thay đổi được hình thành trong thập kỷ qua dường như đã biến mất. Điều đó gióng lên hồi chuông cảnh báo: Nếu EU không quyết tâm thực hiện cải cách quốc phòng ngay từ bây giờ thì họ sẽ sớm quay trở lại vạch xuất phát và như vậy, “cơ hội biến hóa hàng thủ” của EU đang vuột mất.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã bộc lộ tình trạng “thê thảm” của nền quốc phòng EU: EU đã đầu tư không tương xứng cho các lực lượng vũ trang của mình trong 20 năm qua và số tiền ít ỏi mà họ cam kết lại chủ yếu dành cho các nhiệm vụ nhân đạo, chống khủng bố ở những khu vực xa lục địa. Quân đội EU thiếu tất cả nền tảng phòng thủ cần thiết.
Ví như, lượng dự trữ đạn dược của Đức chỉ còn đủ cho vài ngày chiến đấu. Quốc gia này sở hữu 300 xe tăng Leopard 2 trên lý thuyết, nhưng thực tế chỉ có 130 chiếc đang hoạt động. Tây Ban Nha cũng có hơn 300 chiếc Leopard 2, song 1/3 trong số đó không thể vận hành do hư hỏng. Pháp đã gửi hơn 1/3 lượng đạn pháo tới Ukraine, trong khi Đan Mạch gần như đã gửi toàn bộ số đạn pháo của nước này.
Lâu nay, những nỗ lực cải thiện hợp tác công nghiệp quốc phòng của EU thường vấp phải sự phản đối gay gắt từ Mỹ. Điều này cũng thật dễ hiểu, bởi xét cho cùng, các nhà thầu quốc phòng của Mỹ được hưởng lợi rất nhiều từ các hợp đồng mua sắm vũ khí của EU. Lo ngại bị hất cẳng khỏi thị trường EU béo bở, Mỹ một mặt gay gắt phản đối kế hoạch thành lập Quỹ phòng thủ châu Âu mới và sáng kiến phát triển các hệ thống vũ khí mới của EU, một mặt tích cực vận động để doanh nghiệp Mỹ được tiếp cận với các quỹ chi tiêu quốc phòng của EU.
Sự phản đối của Washington đã có tác động đáng kể đến nỗ lực phối hợp của EU. Việc một số quốc gia thành viên EU bất cẩn, lo lắng về phản ứng từ người bảo trợ an ninh của mình đã làm hãm phanh các nỗ lực tập thể của EU. Điều đó lý giải cho sự giảm sút về hợp tác quốc phòng trong nội bộ EU thập kỷ qua.
Theo Cơ quan quốc phòng châu Âu, năm 2021, chi tiêu mua sắm chung vũ khí của EU chỉ chiếm 18% tổng chi mua sắm thiết bị quốc phòng của các quốc gia thành viên. Con số này còn xa so với mục tiêu 35% của EU. Và như vậy, lĩnh vực quốc phòng hoàn toàn trái ngược với các lĩnh vực kinh tế khác của EU, vốn đã được hội nhập sâu rộng thông qua thị trường chung châu Âu.
Hậu quả là các lực lượng vũ trang EU được trang bị các loại vũ khí khác nhau, nên khó có thể phối hợp ăn ý với nhau khi cần kíp. Điều này tạo ra những lỗ hổng lớn về năng lực, đặc biệt trong vận tải, trinh sát, giám sát cũng như phòng không. Đương nhiên, Washington sẽ là bên lấp đầy những khoảng trống này, nghĩa là quân đội EU vẫn phụ thuộc vào Washington ngay cả trong những nhiệm vụ quân sự cơ bản nhất.
Để bổ sung khẩn cấp kho vũ khí đang cạn kiệt, các nước EU đã đặt mua trang bị vũ khí từ các nước ngoài EU, thay vì mất vài năm chờ đợi các công ty quốc phòng EU hoàn thiện thiết kế và tăng cường sản xuất. Vấn đề là, khi một quốc gia mua sắm một hệ thống vũ khí lớn, quốc gia đó sẽ cam kết mua và bảo trì hệ thống vũ khí đó trong nhiều thập kỷ, tạo ra cơ hội tiếp theo để thay đổi nhà cung cấp và do đó, càng làm EU bị phân mảnh sâu sắc hơn. Mỗi thương vụ bán vũ khí cho EU đều làm suy yếu cơ sở công nghiệp quốc phòng của khối này, bởi nó tước đi thị trường cốt lõi của doanh nghiệp quốc phòng EU.
Đó là khi một quốc gia EU mua hệ thống phòng không Patriot từ Raytheon của Mỹ thay vì SAMP/T từ MBDA của Pháp-Italy-Anh; mua máy bay chiến đấu F-16 của Lockheed Martin thay vì Saab Gripen của Thụy Điển; mua xe tăng Abrams của Mỹ thay vì Challenger của Anh, Leclerc của Pháp hay Leopard của Đức. Foreign Affairs nhận định, chừng nào người châu Âu không hành động, suy nghĩ và hợp tác cùng nhau, chừng đó lục địa này khó mà thoát khỏi sự phụ thuộc quá mức vào Washington.
PHƯƠNG THẢO