Sáng 1/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình phát biểu thảo luận.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, sau 1,5 ngày họp tại hội trường đã có 75 đại biểu Quốc hội phát biểu, có 13 đại biểu tham gia tranh luận, 6 bộ trưởng, trưởng ngành đã giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm, các ý kiến phong phú, toàn diện, sâu sắc về các vấn đề kinh tế, xã hội của đất nước và các vấn đề cử tri, đại biểu Quốc hội quan tâm.
Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Chính phủ, các ngành các cấp và ghi nhận đóng góp to lớn của cả dân tộc, kiều bào ta ở nước ngoài, bạn bè quốc tế để vượt qua những khó khăn, thách thức năm 2022, kinh tế nước ta đạt kết quả khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội thống nhất với nhiều nội dung nêu trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội về kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022, các tháng đầu năm 2023 và chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
Các đại biểu cũng đề nghị triển khai các giải pháp miễn giảm, gia hạn thuế phí, giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; các giải pháp để giữ vững sự phát triển ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ, bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; xử lý nợ xấu, xử lý các ngân hàng yếu kém; bảo đảm cân đối cung – cầu, điều hành, bình ổn giá phù hợp; bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa, cân đối về điện, than, xăng dầu.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, các ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan của Chính phủ, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội trường, các ý kiến thảo luận tại tổ để đưa các nội dung quan trọng về kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước và chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Agribank vào Nghị quyết chung của kỳ họp gửi đại biểu cho ý kiến và trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường đối với 4 nội dung, gồm: Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; Việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022; Về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia.
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Thân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình nhất trí với báo cáo của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022. Đại biểu cũng lưu ý đến vấn đề lao động, cho rằng đây là một trong 3 trụ cột cho phát triển nhưng hiện nay còn lãng phí nguồn nhân lực. Chỉ tiêu năng suất lao động đều nhiều năm không đạt… Từ thực trạng này, đại biểu đề nghị có kiểm điểm xem xét lại năng suất lao động không đạt là do đâu? Do người lao động, cán bộ, công nhân, viên chức không chịu làm việc hay do quản lý? So với các nước xung quanh thì năng suất lao động của nước ta là mức rất thấp, gần như là cận dưới. Đại biểu cho rằng đây là nguồn lực cực kỳ lớn mà chúng ta đang bỏ qua. Đại biểu đề nghị đối với cán bộ, công chức và viên chức cần quan tâm đến cơ chế tăng lương và nên coi tăng lương là đầu tư vào con người, không thể để có tư tưởng trả lương như nào thì làm việc như thế. Nếu không có mức lương phù hợp thì cán bộ sẽ ra ngoài làm, mất đi nguồn lực.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân cũng chỉ rõ những lãng phí như chậm giải quyết xử lý trong 12 dự án đắp chiếu hay tồn dư ngân sách nhà nước lớn để trong ngân hàng mà không được sử dụng, quay vòng, trong khi doanh nghiệp đang thiếu tiền, nhiều dự án đầu tư công thiếu vốn, còn nước ta vẫn phải đi vay. Đại biểu đề nghị cần có giải thích, làm rõ những vấn đề này. Đại biểu cho rằng cần phải sử dụng nguồn ngân sách tồn dư này trên cơ sở cân đối của Chính phủ chứ không thể để tiền trong Kho bạc Nhà nước và gửi ngân hàng. Đồng thời đề nghị xem lại cơ chế về cho vay, cơ chế bảo lãnh; bởi vì trong bối cảnh ngân hàng không thể cho vay nếu không có thế chấp nhưng thực tế có rất nhiều các quỹ như Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ phát triển khoa học công nghệ… và nhiều các quỹ tài chính ngoài ngân sách khác nhưng các quỹ này lại không phát huy được tác dụng, gây lãng phí lớn. Liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, đại biểu đề nghị nên giãn thời gian để cho doanh nghiệp thực hiện chính sách đến hạn trả nợ, khắc phục hậu quả, để bù lại thất thoát.
Vũ Sơn Tùng
(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)