Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều 24/6, tại Nhà Quốc hội, các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh với 481/484 phiếu tán thành.
Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh gồm 12 điều. Nghị quyết quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đô thị và tài nguyên, môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của chính quyền Thành phố và thành phố Thủ Đức.
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Đối tượng áp dụng Nghị quyết là cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị – xã hội; tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2023.
Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết: Trên cơ sở ý kiến các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ và Hội trường về Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Tài chính, Ngân sách phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp thu, giải trình, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết.
Về nhiều ý kiến đề nghị cần cân nhắc không quy định tại điểm a khoản 8 Điều 7 vì có thể vi phạm cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, tạo ra tiền lệ chính sách không tốt và một môi trường thu hút đầu tư nước ngoài thiếu lành mạnh, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, ý kiến đại biểu Quốc hội là hợp lý và xin tiếp thu. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan rà soát, chỉnh lý Dự thảo Nghị quyết và không quy định nội dung này. Trường hợp cần tăng cường thu hút nhà đầu tư chiến lược trên cơ sở tuân thủ pháp luật, phù hợp với tình hình thực tiễn, TP Hồ Chí Minh báo cáo Chính phủ trình cấp có thẩm quyền để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Ninh Thuận biểu quyết tại nghị trường.
Đối với một số ý kiến đề nghị thực hiện như quy định hiện hành, theo đó giữ nguyên mô hình tổ chức của Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP Hồ Chí Minh (HFIC) và nộp toàn bộ lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp sau khi trích lập các quỹ vào ngân sách nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: Căn cứ vào pháp luật hiện hành, với tính chất là Quỹ đầu tư phát triển, cơ chế này đã được thực hiện trong nhiều năm qua, nay HFIC chỉ xin được tiếp tục thực hiện lại theo quy định đang áp dụng cho các Quỹ đầu tư phát triển địa phương là được giữ lại chênh lệch thu chi sau khi nộp thuế, nộp ngân sách và phân phối các quỹ theo quy định để bổ sung vào quỹ đầu tư phát triển nhằm tăng vốn điều lệ tương ứng với chức năng và nguyên tắc hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương mà HFIC đang thực hiện, tiếp tục phát huy vai trò huy động và đáp ứng nhu cầu cấp thiết về nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng – kỹ thuật, kinh tế – xã hội của Thành phố.
Với tính chất là Quỹ đầu tư phát triển địa phương, để thể chế hóa tinh thần Nghị quyết 31 của Bộ chính trị về tạo quyền chủ động, tăng cường nguồn lực cho Thành phố. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép HFIC được giữ lại lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ theo quy định để bổ sung vốn điều lệ- ông Lê Quang Mạnh cho biết.
Theo TTXVN/Báo Tin tức