Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) gồm 8 Chương, 53 Điều quy định về việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử; không quy định về nội dung, điều kiện, hình thức của giao dịch. Đối tượng áp dụng của Luật là cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia giao dịch điện tử hoặc có liên quan đến giao dịch điện tử.
Theo Luật, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải tuân thủ quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, pháp luật về an toàn thông tin mạng, pháp luật về an ninh mạng và quy định khác của pháp luật có liên quan khi thực hiện giao dịch điện tử. Thông tin trong thông điệp dữ liệu thuộc phạm vi bí mật nhà nước phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và pháp luật về cơ yếu.
Các hành vi bị cấm trong giao dịch điện tử bao gồm: lợi dụng giao dịch điện tử xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; cản trở hoặc ngăn chặn trái pháp luật quá trình tạo ra, gửi, nhận, lưu trữ thông điệp dữ liệu hoặc có hành vi khác nhằm phá hoại hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử; thu thập, cung cấp, sử dụng, tiết lộ, hiển thị, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông điệp dữ liệu.
Luật cũng cấm xóa, hủy, giả mạo, sao chép, làm sai lệch, di chuyển trái pháp luật một phần hoặc toàn bộ thông điệp dữ liệu; tạo ra thông điệp dữ liệu nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật; gian lận, giả mạo, chiếm đoạt hoặc sử dụng trái pháp luật tài khoản giao dịch điện tử, chứng thư điện tử, chứng thư chữ ký điện tử, chữ ký điện tử; cản trở việc lựa chọn thực hiện giao dịch điện tử; hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định của Luật.
Tiếp đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của các Chương trình mục tiêu quốc gia với tỷ lệ 96,36% tổng số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.
Tại Nghị quyết đã Quyết nghị rõ nhiều nội dung cụ thể liên quan đến: Phân bổ vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; Phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025; Phân bổ vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023.
Theo đó, để tổ chức thực hiện Nghị quyết giao Thủ tướng Chính phủ: Giao kế hoạch vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 theo quy định của Luật Đầu tư công và các Nghị quyết của Quốc hội; Giao dự toán và kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của các Chương trình mục tiêu quốc gia cho từng Bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các Nghị quyết của Quốc hội; Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các nhiệm vụ, dự án quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 2 Nghị quyết này.
Đồng thời, Nghị quyết cũng giao Chính phủ chỉ đạo: Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư Dự án đầu tư hạ tầng ổn định đời sống nhân dân của xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải; Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư Dự án đấu nối ray giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc; báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn cho các dự án theo quy định.
Đối với số vốn quy định tại khoản 6 Điều 2 Nghị quyết này, Nghị quyết giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương: Khẩn trương hoàn thiện thủ tục, phê duyệt chủ trương đầu tư các nhiệm vụ, dự án. Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định chậm nhất tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội thì báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các nhiệm vụ, dự án đã đủ thủ tục đầu tư, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp gần nhất;….
Nghị quyết cũng nêu rõ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách; nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư dẫn đến chậm báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo Nghị quyết số 69/2022/QH15 của Quốc hội về phương án phân bổ số vốn còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 theo đúng Nghị quyết của Quốc hội, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn, bảo đảm quản lý, sử dụng nguồn vốn đúng pháp luật, đúng mục đích, đạt hiệu quả.
Cho phép điều chỉnh vốn giữa các nhiệm vụ, dự án của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội với các nhiệm vụ, dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được bố trí vốn trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 theo quy định tại Điều 67 Luật Đầu tư công và bố trí nguồn vốn thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong các năm 2024, 2025 để hoàn thành các dự án theo đúng Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.
Đối với số ứng trước còn lại chưa thu hồi, ngân sách trung ương không bố trí thêm để hoàn trả. Giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương rà soát, chịu trách nhiệm cân đối trong tổng số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 đã được giao hoặc vốn ngân sách địa phương để thu hồi toàn bộ số vốn ứng trước chưa thu hồi. Trường hợp các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương đề nghị sử dụng vốn ngân sách trung ương để thu hồi số vốn ứng trước thuộc trách nhiệm của ngân sách trung ương, Thủ tướng Chính phủ thực hiện điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho từng nhiệm vụ, dự án trong tổng mức vốn của từng Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã được giao. Trường hợp các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương không thực hiện hoàn trả vốn ứng trước, không báo cáo chính xác, đầy đủ, kiên quyết không bố trí vốn ngân sách nhà nước để thu hồi vốn ứng trước, đồng thời kiểm điểm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu và các tổ chức, cá nhân liên quan. Chính phủ báo cáo Quốc hội việc thực hiện tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV (tháng 10 năm 2023).
Ngoài ra, Nghị quyết cũng yêu cầu Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Kiểm toán nhà nước, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, giám sát, kiểm toán việc thực hiện Nghị quyết này.