Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Căn cước, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Luật gồm 7 chương, 46 điều.
Theo đó, về quy định chuyển tiếp, Luật Căn cước mới vừa được thông qua đã nêu rõ, thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.
Trường hợp chứng minh thư nhân dân còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.
Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.
Thẻ căn cước công dân, chứng minh thư nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/1/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024.
Quy định về việc sử dụng căn cước công dân, chứng minh thư nhân dân trong các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước ngày luật này có hiệu lực thi hành được áp dụng như đối với thẻ căn cước cấp theo quy định của luật này.
Quy định chuyển tiếp
Trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý, bổ sung quy định về chuyển tiếp đối với căn cước công dân và chứng minh nhân dân tại khoản 3 Điều 46 như sau: “Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/1/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024”.
Theo đó, bổ sung khoản 2 Điều 45 quy định về hiệu lực thi hành như sau: “Quy định tại khoản 3 Điều 46 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2024”; đồng thời chỉnh lý một số nội dung của Điều 45 và Điều 46 bảo đảm cụ thể, rõ ràng và phù hợp với thực tế.
Tên gọi Luật Căn cước thể hiện tính khoa học, bao quát
Theo ông Tới, có ý kiến cho rằng thời gian qua đã có nhiều thay đổi về hình thức, nội dung và tên gọi của căn cước, vì vậy đề nghị cân nhắc về tên gọi của luật, đồng thời, đề nghị không đổi tên luật và tên thẻ thành căn cước.
Tuy nhiên, theo ông Tới, qua thảo luận, hầu hết ý kiến đại biểu và ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều đồng ý với tên gọi của dự thảo luật và tên căn cước đã được giải trình.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước thể hiện rõ tính khoa học, vừa bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật, vừa phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số.
Với việc tích hợp đầy đủ thông tin một cách khoa học trong thẻ căn cước cùng với hình thức, phương thức quản lý số bảo đảm tính đại chúng, việc đổi tên thành căn cước sẽ giúp cho công tác quản lý nhà nước có tính khoa học hơn, phục vụ công cuộc chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số của Chính phủ.
Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho người dân trong tham gia các hoạt động xã hội cũng như giao dịch về hành chính, dân sự ngày càng tiện lợi.
Ông Tới cũng cho biết nội dung này Đảng đoàn Quốc hội đã xin ý kiến Bộ Chính trị và được Bộ Chính trị đồng thuận, thống nhất cao về việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước, thẻ căn cước như Chính phủ trình.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy việc điều chỉnh tên gọi là Luật Căn cước và thẻ căn cước là phù hợp với mục đích quản lý và phục vụ nhân dân.