Ngày 29/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp.
Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các đại biểu dự kỳ họp.
Tham gia phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Huy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đánh giá: Cùng với sự nỗ lực của toàn dân và cả hệ thống chính trị thì công tác huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian qua có tính chất quyết định để kiểm soát thành công đại dịch, phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Y tế cơ sở, y tế dự phòng ngày càng có đóng góp lớn trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và góp phần quan trọng vào thành công của công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19. Hệ thống y tế cơ sở ngày càng được tổ chức theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Việc sắp xếp lại hệ thống y tế cơ sở đã cơ bản khắc phục được tình trạng trùng lặp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, giảm đầu mối trong hệ thống tổ chức y tế cơ sở và đồng thời đã giúp các đơn vị tăng cường năng lực quản trị và khả năng tự chủ, đáp ứng được nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân cũng như công tác dân số trong tình hình mới.
Tuy nhiên, đại biểu chỉ ra một số bất cập, vướng mắc, khó khăn trong hoạt động y tế cơ sở đang đặt ra hiện nay, đó là: Thiếu hướng dẫn cụ thể khi thay đổi dẫn tới tình trạng không thống nhất, có sự khác nhau về mô hình tổ chức của trung tâm y tế huyện và trạm y tế xã; song trùng tồn tại các loại mô hình hoạt động với những khó khăn, bất cập. Tỷ lệ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế xã trên tổng số lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ở các cấp chuyên môn kỹ thuật thì giảm; điều kiện về thuốc, trang thiết bị tại trạm y tế xã chưa bảo đảm để thực hiện các nhiệm vụ được giao; nhân lực và năng lực y tế cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, chế độ đãi ngộ cho cán bộ, nhân viên y tế thì cũng còn nhiều bất cập. Nguồn lực từ ngân sách nhà nước đầu tư cho y tế cơ sở còn hạn hẹp và tỷ trọng chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến y tế cơ sở còn thấp, trong khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân thì ngày càng tăng cao.
Đại biểu Nguyễn Văn Huy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu thảo luận về công tác phòng, chống dịch.
Trong đại dịch Covid-19 càng khẳng định vai trò quan trọng cũng như bộc lộ rõ hơn những tồn tại, hạn chế, khó khăn của y tế cơ sở hiện nay. Mặc dù có chức năng và ý nghĩa rất lớn trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, song trong những năm qua, các trạm y tế cấp xã chưa thực sự phát huy được hiệu quả. Một thực trạng đang diễn ra khá phổ biến hiện nay, đó là trong các bệnh viện lâm vào cảnh quá tải, tại các trạm y tế cơ sở lại quá vắng vẻ và dường như trạm y tế xã chỉ thực hiện chức năng chủ yếu là cấp giấy giới thiệu cho người dân để đi khám, chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến trên. Đây là điều rất đáng phải suy nghĩ để có những giải pháp phải tập trung khắc phục.
Để y tế cơ sở bảo đảm thực hiện đầy đủ chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh và nâng cao sức khỏe nhằm bảo đảm cho mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng. Đại biểu kiến nghị cần phải thể chế rõ phạm vi của y tế tuyến huyện, y tế tuyến xã và y tế thôn, bản gắn với chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng tuyến. Xác định mối quan hệ giữa các tuyến y tế hiện nay, nhất là phải làm rõ chức năng, nhiệm vụ của tuyến y tế cơ sở với 3 cấp chuyên môn kỹ thuật ban đầu, cơ bản và chuyên sâu. Đề nghị cần quan tâm đổi mới cơ chế tài chính, cơ chế chi trả của quỹ bảo hiểm y tế theo hướng là tăng chi cho y tế cơ sở, đổi mới chính sách và phương thức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ y tế cơ sở, nhất là nhân lực làm việc tại các trạm y tế xã. Thực hiện điều động, luân phiên hợp lý bác sĩ, cán bộ y tế để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các trạm y tế xã. Và để góp phần khắc phục tình trạng nhân viên y tế xin nghỉ việc, chuyển việc được nhân dân và cử tri rất quan tâm trong thời gian vừa qua, đề nghị cần phải quan tâm chăm lo các giải pháp để tăng thu nhập, bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng và phát triển bản thân đối với nhân viên y tế nói chung, nhân viên y tế cơ sở nói riêng, không chỉ về cơ chế, về kinh tế mà quan trọng nhất là phải tạo được môi trường, điều kiện để cho các nhân viên y tế được phát triển bản thân, có như vậy mới tương xứng với đặc thù công việc và yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới.
Đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu thảo luận.
Tham gia phát biểu, đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhận định đầu tư cho y tế cơ sở gắn với chăm sóc sức khỏe ban đầu và y tế dự phòng là chiến lược trước mắt cũng như lâu dài. Đây là một trong những chiến lược chăm sóc sức khỏe đỡ tốn kém, hiệu quả lâu dài và bền vững nhất. Để hoàn thành được các mục tiêu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, đại biểu kiến nghị: Cần có nghiên cứu đánh giá cụ thể hơn về các chính sách, cơ chế và sự đáp ứng về nguồn lực tác động lên hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng ở các mô hình đã thay đổi trong thời gian qua; hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy và mô hình quản lý để nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở; bảo đảm vai trò là người gác cổng của mạng lưới cung ứng dịch vụ y tế. Thực hiện chủ trương trạm y tế xã phân bố theo quy mô dân số, không theo địa giới hành chính. Cần đổi mới phương thức hoạt động của y tế cấp xã theo hướng phòng bệnh, nâng cao sức khỏe, sàng lọc phát hiện bệnh sớm, quản lý ca bệnh, chú trọng tới quản lý bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã; ứng dụng y học gia đình; tập trung ngân sách nhà nước cho y tế dự phòng, y tế cơ sở; đổi mới phương thức phân bổ ngân sách cho y tế cơ sở theo hướng dựa trên kết quả đầu ra; đổi mới phương thức chi trả dịch vụ y tế cho y tế cơ sở theo hướng phối hợp các phương thức chi trả để khuyến khích cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Có cơ chế giá dịch vụ và cơ chế đồng chi trả phù hợp nhằm khuyến khích người dân khám, chữa bệnh ở tuyến y tế cơ sở. Mở rộng hình thức nhà nước đặt hàng và kết hợp công tư trong cung cấp dịch vụ y tế công cộng. Đề nghị có các chính sách mạnh mẽ và đồng bộ, đãi ngộ cho cán bộ y tế khuyến khích nhân lực có trình độ chuyên môn; cần đa dạng hóa các loại hình đào tạo, mở rộng cơ hội nâng cao năng lực chuyên môn liên tục cho nhân lực y tế làm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, đặc biệt ở khu vực khó khăn; đổi mới chương trình đào tạo theo cách tiếp cận dựa trên năng lực và nhóm làm việc đa chuyên ngành. Đề nghị cho hưởng phụ cấp ưu đãi 100% đối với tất cả cán bộ viên chức đang làm việc tại tuyến y tế cơ sở công lập.
Vũ Sơn Tùng
(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)