Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 9/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cùng các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tham gia thảo luận tại Tổ 10 gồm các đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, Hà Giang và Đồng Tháp.
Đại biểu Lại Văn Hoàn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu thảo luận tại tổ.
Tham gia thảo luận, đa số đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã rất nỗ lực nghiên cứu, tiếp thu nhiều ý kiến của nhân dân, ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến các cơ quan của Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật có bước tiến quan trọng về chất lượng trình Quốc hội.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, có nhiều điểm đổi mới phù hợp với các quan điểm, định hướng đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Các quy định của dự thảo Luật phù hợp với quy định của Hiến pháp và các điều ước quốc tế, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai; tăng cường vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về đất đai từ trung ương đến cơ sở.
Dự thảo Luật cũng đã làm rõ nguyên tắc định giá đất, giá đất thị trường, căn cứ định giá đất, thông tin đầu vào để xác định giá đất, các phương pháp định giá đất. Bổ sung quy định về tư vấn thẩm định giá đất. Theo đó, việc định giá đất phải bảo đảm các nguyên tắc: phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; tuân thủ đúng phương pháp, trình tự, thủ tục định giá đất; bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch; bảo đảm tính độc lập trong các khâu xác định giá đất, thẩm định giá đất, quyết định giá đất. Thông tin đầu vào để xác định giá đất theo các phương pháp phải bảo đảm: giá đất được ghi trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đã được công chứng, chứng thực; giá đất trúng đấu giá quyền sử dụng đất mà không chịu tác động của các yếu tố gây tăng hoặc giảm giá đột biến, giao dịch có quan hệ huyết thống hoặc có những ưu đãi khác được ghi nhận trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; đối với trường hợp chưa có thông tin giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai thì thu thập thông tin giá đất qua điều tra, khảo sát, thông tin về doanh thu, chi phí, thu nhập từ việc sử dụng đất theo thị trường.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị cần tiếp tục thể chế đầy đủ các chính sách mới trong Nghị quyết 18-NQ/TW; còn với một số vấn đề phức tạp, nhạy cảm, cần tiếp tục đánh giá tác động kỹ lưỡng, cụ thể hóa chính sách bảo đảm đồng bộ, khả thi, hiệu quả. Đối với các nội dung cụ thể như: minh bạch thông tin về đất đai, công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, xác định giá đất, thu hồi đất, miễn giảm tiền cho thuê đất, sử dụng đất, nhà ở thương mại ở nông thôn và khu vực đô thị… tiếp tục được đại biểu cho ý kiến để hoàn thiện dự thảo luật.
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã khái quát về quá trình tiếp thu ý kiến đại biểu, ý kiến nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó, quán triệt tinh thần định hướng tại Nghị quyết 18 của Trung ương, nhằm phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giải quyết các vấn đề còn bức xúc, bất cập, tồn đọng của luật hiện hành. Bộ trưởng cũng nêu rõ quan điểm sửa đổi luật, trong đó đất đai là sở hữu toàn dân, nhà nước là đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý thông qua quy hoạch, kế hoạch, sử dụng đất, thu hồi, giao đất, cho thuê đất, định giá đất, quản lý sử dụng đất… nhằm bảo đảm lợi ích nhân dân và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Bộ trưởng cho biết, cơ quan soạn thảo đã nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý, đã bổ sung 40 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4. Bộ trưởng cũng nêu một số vấn đề đại biểu đặt ra tại phiên thảo luận tổ liên quan đến bồi thường, hỗ trợ tái định cư, trong đó nhấn mạnh, việc bồi thường phải bảo đảm cuộc sống tốt hơn về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, sinh kế của người dân. Cơ quan chủ trì soạn thảo cũng tiếp thu ý kiến của đại biểu, trong đó quy định cụ thể hơn về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ tái định cư và phân cấp cho địa phương phải tiến hành điều tra xã hội học, trước khi tiến hành bồi thường trong trường hợp thu hồi đất….
Buổi chiều, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự thảo nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) và thảo luận ở tổ về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Vũ Sơn Tùng
(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)