Tại tổ 10 gồm 3 tỉnh Bạc Liêu, Tiền Giang, Thái Bình do đồng chí Lữ Văn Hùng – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu và đồng chí Nguyễn Khắc Định – Phó Chủ tịch Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đồng chủ trì phiên thảo luận tổ.
Đồng chí Lữ Văn Hùng – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu và đồng chí Nguyễn Khắc Định – Phó Chủ tịch Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đồng chủ trì phiên thảo luận tổ.
Thảo luận tại tổ về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Thu Đông (Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu) cho ý kiến về chính sách đối với nghệ nhân (Điều 13). Đại biểu cho rằng, có nhiều bất cập trong quy định về chính sách công nhận, hỗ trợ đối với nghệ nhân hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa. Việc xét tặng danh hiệu, hỗ trợ Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể quy định tại 2 Nghị định của Chính phủ và giao 2 Bộ phụ trách (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xét tặng danh hiệu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; Bộ Công thương xét tặng danh hiệu trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ) nhưng đối tượng, tiêu chí xét tặng, quy trình, thủ tục xét tặng tại 2 Nghị định chưa phân định rõ ràng. Đại biểu đề nghị cần có quy định khắc phục bất cập, bảo đảm thống nhất, công bằng trong công nhận, hỗ trợ đối với nghệ nhân để phát huy được tài năng và cống hiến của nghệ nhân. Đồng thời thống nhất với chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định rõ di sản văn hóa phi vật thể khi xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú cho nghệ nhân, trong đó có loại hình di sản văn hóa phi vật thể “nghề thủ công truyền thống”. Đồng thời, chỉnh lý, bổ sung khoản 4 Điều 100 dự thảo Luật quy định sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 67 Luật Thi đua – Khen thưởng để làm rõ danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” để tặng cho cá nhân “có công bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể”. Thống nhất đối với quy định xét tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước và chính sách đối với nghệ nhân chỉ ban hành trong 1 Nghị định để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.
Cùng đóng góp cho dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu) đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung tại quy định về Mục đích xây dựng dự thảo luật, nội dung “Khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và đời sống văn hóa giữa các vùng, miền, các giai tầng xã hội, đặc biệt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo” nhằm thể chế hóa Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng như bổ sung các quan điểm của Đảng về lĩnh vực văn hóa đối với dân tộc thiểu số để làm căn cứ thể chế hóa vào các quy định của dự thảo Luật. Ngoài ra, dự thảo Luật còn nghiêng về các quy định hoạt động quản lý, bảo vệ di sản văn hóa của các chủ thể sở hữu di sản văn hóa, nhất là của chủ sở hữu di sản văn hóa là Nhà nước. Trong khi đó, mặc dù ở các điều khoản của dự thảo Luật có quy định “phát huy”, nhưng việc phát huy giá trị di sản văn hóa như thế nào, bằng phương thức, biện pháp nào, thuộc trách nhiệm của ai thì chưa được quy định cụ thể, rõ ràng, dẫn tới quy định còn mang tính khẩu hiệu, chung chung. Từ đó, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu trong dự thảo luật quy định cụ thể, rõ ràng hơn các nội dung chính sách cũng như cách thức tổ chức thực hiện liên quan đến quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản của đồng bào dân tộc thiểu số trong dự thảo luật. Hoặc có quy định giao cho cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm hướng dẫn thực hiện.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, theo đại biểu Trần Thị Hoa Ry, Ban soạn thảo phải lưu ý đảm bảo chính sách dân tộc trong dự thảo Luật. Cụ thể, Luật hiện hành đã có đề cập một số chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc, nhưng còn rất ít, chưa rõ nét, Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung trong dự thảo những chính sách ưu đãi đầu tư, ưu tiên cung ứng thuốc, đặc biệt có cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển dược liệu tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi. “Ưu đãi đặc biệt đối với hoạt động nghiên cứu khoa học về phát triển công nghệ bào chế, sản xuất, bảo tồn dược liệu quý hiếm tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” – đại biểu đề nghị.
Bên cạnh đó, đại biểu Hoa Ry cũng đề nghị cần đánh giá tính khả thi và phù hợp các chính sách của Nhà nước về phát triển công nghiệp dược, chính sách trong việc phát huy, phát triển các bài thuốc quý, cây thuốc quý của đồng bào dân tộc thiểu số.
Nguồn: https://nhiepanhdoisong.vn/quoc-hoi-thao-luan-tai-to-ve-du-an-luat-duoc-va-luat-di-san-van-hoa-sua-doi-14752.html