Kỳ họp bất thường của Quốc hội tới đây sẽ xem xét 7 nội dung cấp thiết trong sắp xếp tổ chức bộ máy, trong đó có việc thành lập một số bộ của Chính phủ khóa 15; cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa 16.
Sáng 7/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa 15.
Trình bày báo cáo về việc chuẩn bị kỳ họp này, Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, đến ngày 3/1 ông đã nhận được văn bản của 7/17 cơ quan.
Trong đó, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội 8 nội dung (4 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và 1 tờ trình về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư).
Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng. Ảnh: Quốc hội
Ban Công tác đại biểu đề nghị trình Quốc hội xem xét, sửa đổi các luật về tổ chức theo Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18; công tác nhân sự thuộc thẩm quyền (nếu có).
Theo kế hoạch, Quốc hội sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung các luật, nghị quyết phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp bất thường thứ 9 đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và các luật khác có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Quốc hội.
Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị tại kỳ họp sẽ tập trung trình Quốc hội xem xét, thông qua đối với 7 nội dung cấp thiết để triển khai, thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.
Cụ thể là các dự thảo: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và các luật khác có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Quốc hội; Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội về thành lập một số bộ của Chính phủ khóa 15 nhiệm kỳ 2021-2026; Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa 16; Nghị quyết của Quốc hội giải quyết các vấn đề phát sinh trong các quy định của pháp luật liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy; công tác nhân sự thuộc thẩm quyền (nếu có).
Kỳ họp bất thường dự kiến vào cuối tháng 2
Ngoài ra, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết có 3 nội dung khác Chính phủ có đề xuất gồm dự Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); dự Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.
Tổng Thư ký Quốc hội sẽ tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự kiến chương trình kỳ họp bất thường thứ 9 trên cơ sở ý kiến chỉ đạo và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ông Tùng cho hay, kỳ họp bất thường lần này Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội trong khoảng 4,5 ngày.
Dự kiến kỳ họp sẽ khai mạc sau hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng và bế mạc vào cuối tháng 2.
Chương trình dự kiến sẽ bố trí thời gian Quốc hội nghỉ họp từ 2-3 ngày để các cơ quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua.
Trường hợp trình Quốc hội dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Dự án đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng… thì thời gian Quốc hội dự kiến họp thêm khoảng 2 ngày.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu các cơ quan phải đảm bảo thời gian trình và gửi xin ý kiến đại biểu các nội dung của kỳ họp, nhất là các nội dung nằm ngoài việc sắp xếp tổ chức bộ máy. Nếu chuẩn bị đầy đủ, chất lượng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình các nội dung Chính phủ đề xuất.
Liên quan đến dự án đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Đỗ Ngọc Huỳnh cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt, giao nhiệm vụ xây dựng báo cáo tiền khả thi và xin ý kiến cấp có thẩm quyền vào giữa tháng 1 này.
Thủ tướng đã trực tiếp thị sát ở Lào Cai, quyết liệt chuẩn bị để trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 2, kịp khởi công toàn tuyến vào tháng 10, ông Huỳnh cho hay.
Mục tiêu năm 2025 tăng trưởng 8% nên bên cạnh các luật về tổ chức bộ máy, các nội dung còn lại đều rất cấp thiết để phục vụ phát triển kinh tế.
Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cũng cam kết trình đúng tiến độ dự Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các nội dung khác theo đề xuất của Chính phủ.
Vietnamnet.vn
Nguồn:https://vietnamnet.vn/quoc-hoi-hop-bat-thuong-xem-xet-lap-mot-so-bo-so-thanh-vien-chinh-phu-khoa-moi-2360912.html