Quốc hội quyết định nhiều vấn đề trọng đại

Người Lao ĐộngNgười Lao Động20/02/2025

Tập trung tháo gỡ cho các dự án tại TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố lớn để giải phóng nguồn lực ngay trong năm 2025


Sáng 19-2, sau 6,5 ngày làm việc với tinh thần dân chủ, đổi mới, khoa học, trách nhiệm cao, kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội (QH) khóa XV đã bế mạc, biểu quyết thông qua nhiều nghị quyết và luật quan trọng đối với sự phát triển của đất nước.

Thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân

Trong Nghị quyết về bổ sung Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, QH quyết nghị điều chỉnh một số chỉ tiêu chủ yếu: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8% trở lên, quy mô GDP năm 2025 đạt khoảng trên 500 tỉ USD; GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5% - 5%.

Để thực hiện mục tiêu trên, QH đề nghị Chính phủ và các cơ quan đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật. Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy phát triển nhanh, lành mạnh, hiệu quả các loại thị trường như tài chính, chứng khoán, khoa học - công nghệ, lao động, bất động sản... xây dựng chính sách đặc thù phát triển các khu kinh tế có tiềm năng lớn như Vân Đồn, Vân Phong, các khu kinh tế biên giới và các vùng theo các nghị quyết của Bộ Chính trị. Trong năm 2025, cơ bản hoàn thành sân bay Long Thành, đưa vào khai thác nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, T2 Nội Bài; khởi công xây dựng bến cảng Liên Chiểu; đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án hạ tầng giao thông chiến lược, quan trọng quốc gia. Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư kinh doanh.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự phiên bế mạc kỳ họp Ảnh: LÂM HIỂN

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự phiên bế mạc kỳ họp. Ảnh: LÂM HIỂN

QH cũng yêu cầu khẩn trương triển khai hiệu quả Đề án Trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM; Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng; xây dựng khu thương mại tự do, khu kinh tế biên giới tại một số địa phương trọng điểm về kinh tế như Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Bình Dương, Đồng Nai. Thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Xây dựng cơ chế ưu tiên hình thành, phát triển lực lượng sản xuất mới, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển mạnh doanh nghiệp dân tộc, quy mô lớn.

Đồng thời rà soát, có ngay các giải pháp xử lý các dự án đang vướng mắc, nhất là các dự án năng lượng tái tạo, BOT, BT, giao thông, bất động sản và các lĩnh vực khác. Trước mắt, xây dựng cơ chế đặc thù tập trung tháo gỡ cho các dự án tại TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố lớn để giải phóng nguồn lực ngay trong năm 2025; sớm hoàn thành thủ tục đầu tư cảng biển quốc tế Cần Giờ.

Cơ chế đặc thù cho đường sắt đô thị

Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội, TP HCM đã được QH thông qua cho phép thí điểm 6 cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt.

Theo đó, QH cho phép Thủ tướng Chính phủ căn cứ khả năng cân đối, bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương, tối đa không vượt 215.350 tỉ đồng cho Hà Nội và tối đa không vượt 209.500 tỉ đồng cho TP HCM trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 và 2031 - 2035 làm cơ sở quyết định đầu tư và thực hiện đầu tư các dự án. HĐND thành phố có trách nhiệm cân đối, bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm vốn ngân sách địa phương làm cơ sở quyết định đầu tư và thực hiện đầu tư các dự án thuộc danh mục. Nguồn này sẽ từ vốn vay nước ngoài, trái phiếu chính quyền địa phương, tăng thu, tiết kiệm chi và các nguồn hợp pháp khác. Tương tự, UBND thành phố được quyết định bố trí vốn từ ngân sách thành phố trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch đầu tư công hằng năm, trước khi có quyết định đầu tư để phục vụ cho dự án. Về trình tự thủ tục, QH cho phép dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD được thực hiện ngay việc lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án mà không phải thực hiện thủ tục lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư và các thủ tục khác có liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư theo quy định. UBND thành phố được tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh phương án tuyến công trình, vị trí công trình trên tuyến đường sắt đô thị, quy hoạch khu vực TOD, bảo đảm đáp ứng về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội...

Đồ họa: LÊ DUY

Đồ họa: LÊ DUY

Nghị quyết được thông qua cũng có quy định riêng về các cơ chế đặc thù cho TP HCM. Cụ thể, trong khu vực TOD, UBND thành phố được thu và sử dụng 100% đối với các khoản thu sau đây để phát triển hệ thống đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng: tiền thu đối với diện tích sàn xây dựng tăng thêm của dự án xây dựng công trình dân dụng; tiền thu từ việc khai thác giá trị tăng thêm từ đất trong khu vực TOD; phí cải thiện hạ tầng. UBND thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính, vay nước ngoài của Chính phủ... với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp. Trường hợp vượt quá 120% thì QH xem xét, điều chỉnh…

Thời điểm lịch sử phải có quyết định lịch sử

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn cho biết tại kỳ họp này, QH đã xem xét, thông qua 4 luật gồm: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Nghị quyết về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước và 4 nghị quyết để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của QH, Chính phủ nhiệm kỳ QH khóa XV; thông qua 6 Nghị quyết nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và cơ chế, chính sách đặc thù đối với một số dự án quan trọng, công trình trọng điểm quốc gia.

"Đây là dấu mốc quan trọng trong tiến trình xây dựng pháp luật, có ý nghĩa rất quan trọng phục vụ công cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới cho địa phương và cả nước" - Chủ tịch QH nói.

Đồng thời, công tác nhân sự đã được thực hiện chặt chẽ, theo đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao của các vị đại biểu QH. Theo Chủ tịch QH, nhiều đại biểu QH đã ghi nhận các dự thảo luật trình tại kỳ này có nhiều vấn đề mới, đúng và trúng, ngắn gọn, dễ hiểu, theo đúng tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật; khẳng định quyết sách kịp thời, tất yếu khách quan, đúng đắn, tầm nhìn xa, cơ sở thuyết phục của Đảng, Nhà nước; đã bắt được đúng mạch, không chần chừ, do dự để khẩn trương khắc phục những tồn tại, vướng mắc, những điểm nghẽn làm chậm sự phát triển của đất nước. "Thời điểm lịch sử trọng đại của dân tộc thì phải có những quyết định lịch sử, đột phá cho sự phát triển của đất nước" - Chủ tịch QH nhấn mạnh.

Tại kỳ họp này, QH cũng đã thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), trong đó quy định chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND. 

Đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng

Cùng ngày, QH cũng đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, với sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 203.231 tỉ đồng (hơn 8,3 tỉ USD) theo hình thức đầu tư công, phấn đấu hoàn thành dự án chậm nhất vào năm 2030. Đồng thời, thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.



Nguồn: https://nld.com.vn/quoc-hoi-quyet-dinh-nhieu-van-de-trong-dai-196250219215204705.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Nhân vật

Rực rỡ cây lá đỏ ở Lâm Đồng, du khách hiếu kỳ đi trăm km tới check-in
Ngư dân Bình Định '5 thuyền 7 lưới' tấp nập khai thác ruốc biển
Báo nước ngoài hết lời khen 'vịnh Hạ Long trên cạn' ở Việt Nam
Xuyên đêm bủa lưới ở Cù Lao Chàm, ngư dân xứ Quảng trúng đậm cả chục tấn cá cơm

No videos available