Chính phủ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào chiều ngày 20/3 (giờ địa phương), khi các nhà lập pháp đối lập thể hiện sự giận dữ và phản đối quyết định sử dụng quyền lực hiến định của chính phủ nhằm thông qua dự luật cải cách hưu trí mà không cần bỏ phiếu tại Quốc hội Pháp.
Hai kiến nghị bất tín nhiệm đã được đệ trình – một của liên minh các đảng trung hữu và cánh tả, và kiến nghị thứ hai của đảng Tập hợp Quốc gia (NR) cực hữu của bà Marine Le Pen.
Các nhà phân tích nói với CNBC hôm 17/3 rằng các đối thủ của ông Macron khó có thể đạt được 287 trên 577 phiếu cần thiết để “hạ bệ” chính phủ Pháp hiện tại.
Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne hôm 20/3 sẽ phải tự bảo vệ mình trước các nhà lập pháp. Trước đó, bà là người đã tuyên bố ý định của chính phủ về sử dụng thẩm quyền đặc biệt mà họ có theo Điều 49.3 của Hiến pháp Pháp để thông qua kế hoạch lâu dài nhằm tăng tuổi nghỉ hưu.
Nếu cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm thất bại, dự luật cải cách hưu trí sẽ được thông qua, theo đó tuổi nghỉ hưu của hầu hết người lao động Pháp sẽ được nâng từ 62 lên 64 vào năm 2030.
Kết quả phần lớn sẽ phụ thuộc vào việc có bao nhiêu thành viên của đảng trung hữu Les Republicains “ngược dòng” và bỏ phiếu chống lại chính phủ.
Phó lãnh đạo của đảng này đã bị sa thải vào tháng trước vì không ủng hộ kế hoạch cải cách hưu trí của ông Macron, đã được thông qua tại Thượng viện Pháp vào ngày 12/3. Ông Macron đã tính toán rằng ông sẽ không giành đủ phiếu bầu để dự luật được Hạ viện Pháp thông qua.
Nếu chính quyền thua trong vòng bỏ phiếu tín nhiệm, ông Macron sẽ phải bổ nhiệm một chính phủ với Thủ tướng mới hoặc giải tán quốc hội, kích hoạt bầu cử sớm.
Điều này có thể khiến nhà lãnh đạo Pháp rơi vào thế “vịt què” đối với các chính sách đối nội trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ cho đến năm 2027, nhà kinh tế học Holger Schmieding của Berenberg cho biết.
Dù bằng cách nào, ông Macron sẽ phải trả giá bằng một lượng “vốn chính trị” đáng kể để đạt được những thay đổi của mình, điều mà chính phủ lập luận là cần thiết để duy trì hệ thống hưu trí rộng rãi của Pháp trong tương lai.
Một cuộc thăm dò do Elabe công bố hôm 20/3 cho thấy, 68% số người được hỏi muốn cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm được thông qua, 68% nghĩ rằng bà Borne nên từ chức ngay cả khi kiến nghị bất tín nhiệm thất bại, và 69% tin rằng sử dụng biện pháp hiến pháp, được gọi là Điều 49.3, là một sự phủ nhận nền dân chủ.
Những người phản đối nói rằng những thay đổi này sẽ tác động tiêu cực đến phụ nữ, công nhân khu vực công và những người được trả lương thấp hơn. Họ cũng lập luận rằng chính phủ đang ưu tiên các doanh nghiệp và những người được trả lương cao hơn những người lao động trung bình.
Công nhân đã thực hiện các đợt đình công kể từ đầu năm nay, với các đợt đình công tăng mạnh vào tháng 3. Công nhân tại các nhà máy lọc dầu trên khắp đất nước đã đình công liên tục trong 13 ngày, trong khi việc những công nhân thu gom rác đình công đã dẫn đến những đống rác chất đống khắp các đường phố ở thủ đô Paris.
Công nhân vận tải và giáo viên cũng đã tổ chức đình công. Các công đoàn đã tuyên bố sẽ tiếp tục hành động và kêu gọi đình công rộng rãi vào ngày 23/3.
Hàng trăm người đã bị bắt giữ, trong khi hàng nghìn người tuần hành phản đối trên khắp đất nước, Reuters đưa tin.
Phiên họp quốc hội để bỏ phiếu bất tín nhiệm dự kiến bắt đầu lúc 16h giờ Pháp (22h giờ Việt Nam) ngày 20/3.
Minh Đức (Theo CNBC, AP)