Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 6/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội nghe báo cáo về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Theo đó, dự án Luật gồm 173 điều được bố cục thành 05 phần, 11 chương, được xây dựng theo việc thực hiện chủ trương của Đảng về “phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em”.
Phát biểu tại Kỳ họp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đề cập về việc cần thiết xây dựng dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Theo đó, dự án Luật cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em”; thực hiện Công ước của Liên Hợp quốc về Quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.
Quốc hội nghe Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên
Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên được kỳ vọng sẽ khắc phục những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành như: Hệ thống hình phạt chưa phù hợp; một số hình phạt không có sự phân hóa giữa người chưa thành niên và người trưởng thành; mức hình phạt tù tối đa vẫn còn quá cao; các biện pháp giám sát, giáo dục đã được quy định nhưng thiếu tính khả thi; thủ tục tố tụng hình sự chưa thực sự thân thiện; chưa thiết lập được cơ chế điều phối quốc gia cũng như vai trò, trách nhiệm của người làm công tác xã hội trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên; quy định về thi hành án, tái hòa nhập cộng đồng còn chưa phù hợp, hiệu quả chưa cao; chưa nội luật hóa đầy đủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; pháp luật về tư pháp người chưa thành niên được quy định ở nhiều đạo luật. Phần lớn chỉ điều chỉnh các quy định vốn được áp dụng cho người trưởng thành để áp dụng với người chưa thành niên, nên không hiệu quả, gây khó khăn khi áp dụng.
Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên cũng được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm người chưa thành niên; tuân thủ các chuẩn mực của quốc tế và đáp ứng yêu cầu của Liên Hợp Quốc về xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Theo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, việc xây dựng dự án Luật tư pháp người chưa thành niên nhằm: Hoàn thiện pháp luật tư pháp đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội; tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ chưa thành niên phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm, cải thiện hành vi thông qua xử lý chuyển hướng, hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp mang tính chất trừng phạt, giam giữ nhưng vẫn bảo đảm sự an toàn của cộng đồng và trật tự xã hội; xây dựng quy trình thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với độ tuổi, tâm lý, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức và vì lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên; bảo đảm các quyền cơ bản của người chưa thành niên trong xử lý chuyển hướng, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng; thu hút, huy động nguồn nhân lực có chuyên môn về công tác xã hội; tăng cường trách nhiệm của gia đình, cơ quan, tổ chức hữu quan hỗ trợ, giám sát, giáo dục người chưa thành niên; thiết lập cơ sở giam giữ phù hợp với mục đích phục hồi, giáo dục và sự phát triển của người chưa thành niên; tăng cường cơ hội tái hòa nhập công đồng; xây dựng cơ chế giám sát, giáo dục, phục hồi hiệu quả, chuyên nghiệp, phù hợp với người chưa thành niên.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, dự án Luật điều chỉnh trong lĩnh vực tư pháp hình sự, gồm: Nguyên tắc cơ bản của tư pháp người chưa thành niên; quy định về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội; hình phạt và các chính sách hình sự chuyên biệt; thủ tục tố tụng thân thiện; thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.
Xác định phạm vi như trên để cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp và thể chế hóa Chỉ thị của Bộ Chính trị về “phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em”; phù hợp với cách tiếp cận mới của Quốc hội về xây dựng pháp luật; đảm bảo hình thành một đạo luật chuyên biệt, toàn diện đối với người chưa thành niên; phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và kinh nghiệm của nhiều quốc gia đã có Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Phạm vi điều chỉnh đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết luận tại phiên họp tháng 4/2024. Ý kiến của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đều yêu cầu phải quy định cả hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự trong dự án Luật.
Cần thiết ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên
Thay mặt cơ quan thẩm tra dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban tán thành sự cần thiết ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên và đánh giá cao quá trình chuẩn bị hồ sơ của Tòa án nhân dân tối cao. Dự thảo Luật đã thể chế hóa đầy đủ và bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến trẻ em; cơ bản phù hợp với nhiều quy định trong các văn bản pháp luật có liên quan và tương thích với Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các luật có liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung ngay trong dự thảo Luật. Đồng thời, đánh giá tác động đầy đủ hơn đối với một số chính sách mới, phát sinh điều kiện bảo đảm thực hiện.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga
Về phạm vi điều chỉnh của Luật: Theo quy định tại Điều 1 dự thảo Luật thì phạm vi điều chỉnh trong lĩnh vực tư pháp hình sự, gồm: quy định về xử lý chuyển hướng, hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội; thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên; thi hành án; tái hòa nhập cộng đồng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên. Ủy ban Tư pháp có 02 loại ý kiến: Đa số ý kiến tán thành dự thảo Luật quy định về (hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên), với những lý do:
Một là, xuất phát từ đặc điểm của người chưa thành niên là người chưa trưởng thành về mọi mặt, nhiều em chưa thể tự bảo vệ mình một cách tốt nhất trước các nguy cơ vi phạm và tội phạm. Đặc biệt là khi tham gia vào các quy trình tư pháp hình sự đều dễ bị tác động tiêu cực, dễ để lại những tổn thương lâu dài, nhất là khi phải đối diện với các biện pháp có tính chất cưỡng chế (như: khởi tố, bắt, giam, giữ, khám xét, đối chất…). Đáng lưu ý, một tỷ lệ lớn người chưa thành niên vi phạm pháp luật có hoàn cảnh gia đình đặc biệt (như bố mẹ ly hôn, nghiện ma túy, cờ bạc, bố mẹ phạm tội hoặc mồ côi cha mẹ…) là nguyên nhân xã hội trực tiếp dẫn đến hành vi lệch chuẩn, vi phạm pháp luật của người chưa thành niên. Đặc điểm đó đòi hỏi Nhà nước khi thiết kế chính sách xử lý cần có cách tiếp cận chuyên biệt, khác với người trưởng thành, để từ đó thiết lập các nguyên tắc xử lý, chế định hình phạt, thủ tục tố tụng và thi hành án phù hợp với đặc điểm của người chưa thành niên.
Hai là, giai đoạn trước đây, các quốc gia thường dành một chương hoặc một vài điều trong Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự để quy định việc xử lý đặc thù với người chưa thành niên. Tuy nhiên hiện nay, các nước ngày càng nhận thức được rằng cách tiếp cận này không hiệu quả vì chỉ cho phép điều chỉnh một vài chính sách hình sự hoặc một vài thủ tục tố tụng vốn được thiết kế cho người trưởng thành. Do vậy, xu hướng chung trên thế giới hiện nay là thay thế những chương riêng, những điều riêng như vậy bằng một đạo luật toàn diện, áp dụng cách tiếp cận chuyên biệt, khác với người trưởng thành để quy định chính sách xử lý liên quan đến người chưa thành niên.
Các ĐBQH nghe báo cáo về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên
Pháp luật hiện hành của Việt Nam đang xử lý theo hướng thiết kế riêng một chương hoặc một vài điều trong 03 đạo luật. Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành đạt được một số kết quả tích cực song do chưa có cách tiếp cận chuyên biệt, toàn diện về tư pháp người chưa thành niên, nên còn nhiều quy định trong chính sách xử lý, hình phạt, thủ tục tố tụng và thi hành án hình sự chưa phù hợp với đặc điểm, tâm lý, lứa tuổi và sự phát triển của người chưa thành niên; các biện pháp giám sát, giáo dục hầu như rất ít được áp dụng trên thực tế.
Ba là, trong quá trình xây dựng Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự trước đây, Bộ Tư pháp và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã nhiều lần kiến nghị xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên nhưng chưa được chấp thuận. Nay Quốc hội khóa XV quyết định xây dựng một đạo luật chuyên biệt về tư pháp người chưa thành niên cho thấy sự thay đổi trong cách tiếp cận của Quốc hội về vấn đề này.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, với tư cách là một đạo luật chuyên biệt về tư pháp người chưa thành niên thì 02 vấn đề cốt lõi của tư pháp người chưa thành niên (gồm: hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự) cần thiết phải được điều chỉnh trong Luật này; tạo cơ sở cho việc thiết kế các hình phạt và thủ tục tố tụng phù hợp với đặc điểm của người chưa thành niên, khắc phục những bất cập trong Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành. Ngoài ra, dự thảo Luật chỉ quy định vấn đề hình phạt, không điều chỉnh vấn đề tội phạm là thống nhất với nguyên tắc của Bộ luật Hình sự. Ý kiến Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4/2024, ý kiến tham gia thẩm tra của Hội đồng dân tộc và nhiều Ủy ban của Quốc hội, ý kiến của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tán thành phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên phải bao gồm hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự.
Bốn là, việc quy định phạm vi điều chỉnh về tư pháp hình sự với 05 nội dung như Điều 1 dự thảo Luật là bảo đảm phù hợp với các yêu cầu, khuyến nghị của quốc tế về xây dựng hệ thống pháp luật tư pháp người chưa thành niên. Gần đây nhất năm 2022, Ủy ban quyền trẻ em Liên Hợp Quốc khuyến nghị Việt Nam “Xây dựng và thông qua một đạo luật toàn diện về tư pháp trẻ em”.
Một số ý kiến đề nghị không quy định (hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên) trong dự thảo Luật, với những lý do:
Một là, thực tiễn và truyền thống xây dựng Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự ở nước ta từ trước đến nay thì chỉ có Bộ luật Hình sự quy định về tội phạm và hình phạt; chỉ Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về trình tự, thủ tục khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Việc dự thảo Luật quy định hình phạt và thủ tục tố tụng là khác với truyền thống xây dựng Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự ở nước ta, cần được cân nhắc trên cơ sở tổng kết kỹ lưỡng thực tiễn thi hành pháp luật.
Hai là, Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành đã dành một số điều hoặc một chương riêng để quy định về hình phạt và thủ tục tố tụng với người chưa thành niên, trong đó đã từng bước cân nhắc đặc điểm đặc thù của người chưa thành niên để có một số quy định nhân văn hơn. Những bất cập trong Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành về hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự với người chưa thành niên cần được tiếp tục tổng kết và đề xuất sửa đổi khi sửa Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự. Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên chỉ nên tập trung điều chỉnh việc xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội.
Ba là, việc tiếp tục giữ quy định về hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên trong Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự như hiện hành vừa bảo đảm tính ổn định của hệ thống pháp luật, vừa thuận tiện trong thực tiễn thực thi pháp luật. Ý kiến của Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Công an đề nghị cân nhắc việc quy định hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự trong dự thảo Luật.
Bốn là, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Thi hành án hình sự có các quy định dành riêng cho người chưa thành niên là đã từng bước đáp ứng yêu cầu của Công ước về việc có các chính sách xử lý và thủ tục dành riêng cho trẻ em vi phạm pháp luật. Còn việc lựa chọn xây dựng một đạo luật chuyên biệt về tư pháp người chưa thành niên (có bao gồm hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự hay không) phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có truyền thống lập pháp của mỗi quốc gia.
Về các quy định về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội: Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban cơ bản tán thành các quy định của dự thảo Luật về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội. Quy định này phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước ta, nhất là thể chế hóa yêu cầu tại Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 28/12/2023 của Bộ Chính trị về “Phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em”.
Về các biện pháp xử lý chuyển hướng: Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành 12 biện pháp xử lý chuyển hướng và việc làm rõ nội hàm của từng biện pháp như dự thảo Luật, tạo điều kiện cho cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều lựa chọn để áp dụng biện pháp phù hợp nhất với từng đối tượng người chưa thành niên, bởi vì mỗi người chưa thành niên có hoàn cảnh gia đình, nhân thân, nguyên nhân thực hiện hành vi phạm tội khác nhau. Việc phân biệt rõ (các biện pháp được áp dụng độc lập) và (các biện pháp chỉ được áp dụng đồng thời với các biện pháp khác) là phù hợp. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị làm rõ biện pháp (Bồi thường thiệt hại; Tham gia điều trị và tư vấn tâm lý) là biện pháp xử lý chuyển hướng hay là nghĩa vụ mà người chưa thành niên phải thực hiện.
Một số hình ảnh tại Kỳ họp:
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên
Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên
Các ĐBQH nghe báo cáo về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên./.
Nguồn: https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=87263