Hôm nay (31/5), Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022 và những tháng đầu năm 2023.
Quốc hội họp tại hội trường ngày 30/5. |
Quốc hội sẽ dành cả ngày thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam.
* Trước đó, sáng ngày 25/5, các đại biểu Quốc hội cũng đã thảo luận tại tổ về các nội dung trình Quốc hội cho ý kiến, trong có đánh giá bổ sung tình hình kinh tế – xã hội năm 2022 và tình hình kinh tế – xã hội những tháng đầu năm 2023.
Đa số đại biểu đề nghị Chính phủ có giải pháp đột phá, chỉ đạo điều hành quyết liệt, mạnh mẽ để đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2023 là 6,5%.
* Tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023. Trong đó, Chính phủ đã đề ra 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội giao.
Theo đó, trong bối cảnh rất khó khăn, Việt Nam vẫn thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu kế hoạch, trong đó nhiều chỉ tiêu tốt hơn số đã báo cáo Quốc hội, như: GDP năm 2022 tăng 8,02% (đã báo cáo là 8%);…
Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 371,3 tỷ USD (đã báo cáo là 368 tỷ USD); xuất siêu đạt trên 12,4 tỷ USD (đã báo cáo là khoảng 1 tỷ USD).
Quốc phòng, an ninh được củng cố; chủ quyền quốc gia được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế được tăng cường, phát huy hiệu quả; uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam tiếp tục được nâng lên.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng nêu một số hạn chế, khó khăn, trong đó có 2 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch; giải ngân vốn đầu tư công và triển khai thực hiện một số chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia chưa đạt yêu cầu; công tác lập quy hoạch còn chậm; nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong huy động, tiếp cận vốn, chi phí sản xuất kinh doanh tăng, thị trường sản phẩm xuất khẩu bị thu hẹp;…
Báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắng nhìn nhận các tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức. Đó là tăng trưởng GDP quý I/2023 (đạt 3,32%) thấp hơn cùng kỳ (5,03%); Các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của ta bị thu hẹp.
Thu ngân sách nhà nước có xu hướng giảm; Vốn FDI đăng ký mới giảm 17,9%; Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tuy có nhiều cố gắng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu.
Việc triển khai một số chính sách của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và chính sách hỗ trợ lãi suất 2% thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KTXH còn chậm; Chất lượng lao động có lúc, có nơi chưa đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo…
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã nêu nguyên nhân của những tồn tại hạn chế nêu trên và rút ra 5 bài học kinh nghiệm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; chú trọng bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; Phát huy tinh thần tự lực, tự cường; càng khó khăn, thách thức, càng phải nỗ lực phấn đấu vươn lên; Giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực; đồng thời Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là động lực và mục tiêu của sự phát triển.