Quốc hội hôm nay (20/6) dự kiến biểu quyết thông qua Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật Phòng thủ dân sự, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)…
Các đại biểu Quốc hội họp tại hội trường ngày 19/6. |
Dự kiến, buổi sáng Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, biểu quyết thông qua: Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Nghị quyết về quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa – kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận; Luật Phòng thủ dân sự.
Các đại biểu Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Sau đó, thảo luận về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), ngày 25/5, Quốc hội đã họp tại hội trường thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thay mặt cơ quan soạn thảo cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã đưa ra những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sâu sắc, đồng thời cảm ơn Ủy ban Kinh tế đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo để hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc xây dựng và ban hành luật lần này hy vọng sẽ tháo gỡ được những vướng mắc bất cập để mô hình kinh tế này phát triển đáp ứng được yêu cầu thực tế. Sau Kỳ họp thứ 5, cơ quan soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, lắng nghe ý kiến đối tượng chịu tác động, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật.
Giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, về vốn góp của các thành viên hợp tác xã, qua nghiên cứu các ý kiến, Chính phủ trình Quốc hội theo phương án 1, để bảo đảm quyền tự do, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân, bảo đảm nguyên tắc mở trong tham gia, rút khỏi hợp tác xã như thông lệ quốc tế, tránh tình trạng thành viên góp bằng đất đai, nhà xưởng khi rút ra thì ảnh hưởng đến hoạt động và sự tồn tại của cả hợp tác xã.
Để tránh làm sai lệch bản chất mô hình hợp tác xã, dự thảo đã quy định về tỷ lệ vốn góp tối đa của các thành viên, các thành viên cũng phải tôn trọng các nguyên tắc, chấp hành những tôn chỉ của hợp tác xã. Đối với trường hợp có thể dẫn đến chi phối, thâu tóm hợp tác xã, Bộ trưởng cho biết cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát để thiết kế thêm điều khoản ngăn chặn trường hợp này. Với những quy định chặt chẽ, nghiên cứu kỹ lưỡng, Chính phủ kiến nghị các đại biểu Quốc hội đồng thuận theo phương án 1.
Đối với việc tham gia hợp tác xã của người nước ngoài, Bộ trưởng cho biết dự thảo luật đã có quy định chặt chẽ để thu hút được sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, tranh thủ nguồn lực nhưng vẫn ngăn chặn hiệu quả việc chi phối, thâu tóm. Bộ trưởng cho rằng đây là cơ chế mở, cần đảm bảo thông thoáng, thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài trong vấn đề phát triển kinh tế hợp tác.
Về tổ chức thực hiện, để nhanh chóng đưa chính sách của luật vào cuộc sống, Bộ trưởng cho biết cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị những nội dung nghị định, thời gian tới mong các đại biểu Quốc hội tiếp tục đồng hành để các văn bản quy phạm pháp luật này được chặt chẽ, khả thi. Về xây dựng chương trình tổng thể phát triển kinh tế tập thể và một số vấn đề khác, Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai và sẽ có báo cáo với Quốc hội.
Về dự án Luật Phòng thủ dân sự, ngày 24/5, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật. Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các ĐBQH là về vấn đề triển khai phòng thủ dân sự phù hợp với từng cấp độ để ứng phó, khắc phục sự cố, thảm họa. Đây là cơ sở để phân công, quy định trách nhiệm tới các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức và cá nhân trong thực hiện phòng thủ dân sự.
Thay mặt cơ quan thẩm tra, giải trình về tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng thủ dân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới nhấn mạnh: Việc phân định cấp độ phòng thủ dân sự để điều chỉnh thống nhất chung hoạt động của các cấp chính quyền, lực lượng tham gia phòng thủ dân sự và người dân trong ứng phó, khắc phục sự cố, thảm họa. Hiện nay, quy định về cấp độ đối với các loại sự cố được quy định khác nhau ở các luật chuyên ngành có liên quan, gắn với đặc điểm, đặc thù của từng loại hình sự cố.
Do đó, dự án Luật Phòng thủ dân sự chỉ quy định các cấp độ chung nhất, gắn với vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền để áp dụng các biện pháp ứng phó phù hợp. Căn cứ vào Khoản 2 Điều 7, các cấp chính quyền đánh giá, đối chiếu với khả năng ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa của chính quyền và lực lượng phòng thủ dân sự tại địa phương để xác định và ban bố cấp độ phòng thủ dân sự trên địa bàn quản lý; từ đó áp dụng các biện pháp ứng phó, khắc phục phù hợp. Như vậy, việc chính quyền địa phương ban bố cấp độ phòng thủ dân sự trên địa bàn quản lý không chồng chéo với quy định hiện hành về công bố rủi ro thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm hoặc các rủi ro khác.
Về thẩm quyền ban bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự, theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới, dự án Luật đã quy định cụ thể thẩm quyền và phân cấp trách nhiệm giữa các cấp chính quyền; thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan. Đồng thời, đây là vấn đề liên quan đến quy trình, thủ tục nên dự thảo Luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết, tránh nhiều thủ tục hành chính trong Luật.
Cũng tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang khẳng định, dự án Luật Phòng thủ dân sự sau khi trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp sẽ được tiếp thu thấu đáo các ý kiến đóng góp, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét thông qua. Việc xác định cấp huyện, cấp tỉnh, cấp Trung ương trong tình trạng khẩn cấp hay trong tình trạng có chiến tranh đều thực hiện giải quyết vấn đề phòng thủ dân sự.
Với lý lẽ trên, theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, công tác phòng thủ dân sự phải có sự chuẩn bị nguồn lực từ sớm, từ xa mới có thể đáp ứng được các yêu cầu cấp thiết cần giải quyết ngay của đất nước.
Về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), sáng 13/6, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên giữa hai đợt của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, cho ý kiến về một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Phiên họp.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy báo cáo về một số vấn đề xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, một số vấn đề lớn của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) bao gồm quy định liên quan đến: Vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; án phí đối với vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; công khai thông tin của vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện…
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao sự nỗ lực của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Công Thương; đồng thời đề nghị, báo cáo giải trình, tiếp thu dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) phải bao quát các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Cùng với việc tiếp thu ý kiến Thường vụ Quốc hội về các nội dung xin ý kiến, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát lại chương về quản lý nhà nước, điều khoản thi hành, cũng như các điều khoản chuyển tiếp, tránh xung đột trong quá trình tổ chức thực thi hoặc vướng với các quy định pháp luật khác.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đối với quy định về thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ luật Tố tụng dân sự đã quy định rõ điều kiện xử, trình tự thủ tục. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) chỉ quy định thêm những trường hợp đặc thù (với các giao dịch có giá trị dưới 100 triệu đồng) do đó, vẫn nên áp dụng thủ tục rút gọn và trình tự, thủ tục theo Bộ luật Tố tụng dân sự.
Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo trao đổi với Tòa án Nhân dân tối cao để thống nhất và không đặt ra thêm các điều kiện đối với trường hợp này.