Tổng thư ký Quốc hội cho biết đang báo cáo cấp có thẩm quyền tổ chức kỳ họp bất thường vào tháng 1/2024 để xem xét một số nội dung, trong đó có dự án Luật Đất đai sửa đổi.
Sáng 29/11, tại họp báo sau kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 15, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết Quốc hội chưa thông qua dự án Luật Đất đai sửa đổi và Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi “thể hiện tinh thần cẩn trọng, trách nhiệm”. Hai dự luật này còn ý kiến khác nhau về nhiều nội dung, cần thêm thời gian để xem xét kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng, tránh luật ra đời thời gian ngắn lại phải sửa đổi.
“Không phải cứ có trong chương trình thông qua thì phải nhất trí ấn nút, vì làm như thế thì hệ thống pháp luật thiếu ổn định, và sự cẩn trọng là cần thiết”, ông Cường nói, cho biết nếu được cấp có thẩm quyền đồng ý, kỳ họp bất thường của Quốc hội vào tháng 1/2024 sẽ xem xét hai dự án luật này và một số nội dung khác theo đề nghị của Chính phủ.
Theo Tổng thư ký Quốc hội, mỗi năm Quốc hội họp hai kỳ họp thì “lỡ” 6 tháng, có thể làm chậm sự phát triển. Nếu có vấn đề cấp bách, Chính phủ sẽ đề nghị và Quốc hội đánh giá tác động của chính sách tới sự phát triển kinh tế xã hội để quyết định tổ chức kỳ họp bất thường giải quyết.
Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến cho biết dự án Luật Đất đai sửa đổi cần tiếp tục rà soát nội dung về thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở kinh doanh thương mại dịch vụ; vấn đề quản lý khai thác quỹ đất; các trường hợp áp dụng phương pháp định giá đất.
Riêng dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng đã được Thường vụ Quốc hội cho ý kiến ba lần, song việc can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, cho vay đặc biệt các tổ chức tín dụng còn nhiều nội dung cần rà soát. “Đây là các vấn đề trọng yếu, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng nói riêng và an toàn tài chính quốc gia nói chung, đồng thời liên quan việc sử dụng các nguồn lực nhà nước”, bà Yến nói.
Tại kỳ họp 6, Quốc hội đã thông qua 7 luật, gồm: Căn cước; Kinh doanh bất động sản sửa đổi; Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Nhà ở sửa đổi; Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Tài nguyên nước sửa đổi; Viễn thông sửa đổi.
Trong 9 nghị quyết được Quốc hội thông qua, có Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024; Dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Phân bổ ngân sách trung ương năm 2024; Thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ…