ANTD.VN – Chiều nay, 26-11, với đa số phiếu ĐBQH biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) |
Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, trên cơ sở tổng hợp ý kiến thảo luận của các ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉnh lý các quy về đối tượng không chịu thuế (Điều 5 dự thảo Luật); về thuế suất (Điều 9), về hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) ở Điều 15…
Cụ thể, về thuế suất, nội dung có nhiều ý kiến tranh luận nhất tại dự thảo luật này là thuế với phân bón. Qua thảo luận, nhiều ý kiến thống nhất với đề xuất áp thuế suất 5% đối với phân bón. Một số ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện hành; có ý kiến đề nghị áp dụng thuế suất 0% hoặc 1%, 2%.
Cũng có ý kiến đề nghị đánh giá toàn diện tác động của quy định này đối với nông dân và sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản. Có ý kiến lo ngại về khả năng doanh nghiệp trục lợi chính sách, nâng giá bán làm ảnh hưởng đến nông dân…
Ông Lê Quang Mạnh cho biết, trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, tại Báo cáo số 1035/BC-UBTVQH15 ngày 28-10, UBTVQH đã giải trình, báo cáo về tác động đối với việc chuyển mặt hàng phân bón từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế suất 5%. Chính phủ cũng đã có công văn số 692/CP-PL bổ sung giải trình và cung cấp số liệu minh chứng cụ thể.
Để thể hiện đúng quan điểm của Quốc hội trong việc xử lý vấn đề trên, ngày 26-11, Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi xin ý kiến ĐBQH về 02 phương án, một là áp thuế suất 5%, hai là giữ nguyên như quy định hiện hành.
Qua tổng hợp ý kiến cho thấy, 72,67% tổng số ĐBQH cho ý kiến tán thành với đề nghị của UBTVQH và Chính phủ theo hướng quy định thuế suất 5% đối với mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản. Nội dung này được thể hiện tại khoản 2 Điều 9 của dự thảo Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh |
Về đối tượng không chịu thuế, có ý kiến nhất trí với khoản 1 Điều 5 dự thảo Luật và cho rằng, việc cho phép không nộp thuế GTGT đầu ra nhưng lại được khấu trừ thuế GTGT đầu vào là không đúng nguyên tắc của thuế GTGT. Có ý kiến đề nghị giữ như dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.
Ngày 26-11, Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi xin ý kiến ĐBQH về 02 phương án xử lý vấn đề trên. Qua tổng hợp ý kiến cho thấy, 70,50% tổng số ĐBQH cho ý kiến tán thành với đề nghị của UBTVQH theo hướng bỏ quy định cho phép không nộp thuế GTGT đầu ra nhưng lại được khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với nông sản chưa chế biến hoặc sơ chế ở khâu thương mại… Vì thế, nội dung này đã được thể hiện tại Điều 5 của dự thảo Luật.
Có ý kiến đề nghị xem xét, nâng mức ngưỡng doanh thu không chịu thuế GTGT lên trên mức 200 triệu; có ý kiến đề nghị mức trên dưới 300 triệu đồng hoặc 400 triệu đồng cho những năm tới.
Về việc này, để bảo đảm mức tăng hợp lý của ngưỡng doanh thu không chịu thuế, tương đối phù hợp với tỷ lệ tăng GDP và CPI bình quân từ năm 2013 đến nay, dự thảo Luật quy định mức ngưỡng doanh thu 200 triệu đồng/năm như đã thể hiện trong dự thảo Luật.
Về hoàn thuế GTGT, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng cho phép hoàn thuế đối với cơ sở sản xuất, cung ứng cả dịch vụ chịu thuế 5% và 10%; đồng thời, giao Chính phủ quy định việc xác định số thuế GTGT đầu vào được hoàn theo tỷ lệ phân bổ như quy định tại khoản 3 Điều 15 dự thảo Luật.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị không miễn các loại thuế đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ qua các sàn thương mại điện tử và đề nghị quy định rõ nội dung trong Nghị quyết chung của kỳ họp về việc chấm dứt Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của Kỳ họp…
Cũng trong phiên họp chiều nay, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn với đa số phiếu tán thành.
Nguồn: https://www.anninhthudo.vn/quoc-hoi-chot-nang-muc-nguong-doanh-thu-khong-chiu-thue-gia-tri-gia-tang-len-tren-200-trieu-dong-post596630.antd