Đại biểu chất vấn Thống đốc tại sao gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhà xã hội đến nay chỉ giải ngân khoảng 100 tỷ đồng dù người dân thiếu nhà ở.
Sáng 6/11, ba Bộ trưởng, trưởng ngành Tài chính, Kế hoạch & Đầu tư và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước “mở màn” phiên chất vấn kéo dài 2,5 ngày tại kỳ họp 6 của Quốc hội. Khác với kỳ họp trước Quốc hội chất vấn theo nhóm vấn đề nóng, kỳ này các bộ trưởng bị chất vấn việc thực hiện lời hứa của mình theo 10 Nghị quyết của Quốc hội khóa 14, 15.
‘Cần cả hệ thống vào cuộc để xây một triệu nhà xã hội’
Là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước làm rõ nhiều vấn đề xoay quanh việc gói tín dụng 120.000 tỷ đồng “nhu cầu cao nhưng giải ngân thấp”, việc chưa thể bỏ hạn mức (room) tín dụng để điều tiết thị trường, tín dụng đen…
Gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội với người thu nhập thấp, công nhân với mục tiêu có 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội tới 2030. Bà Trần Thị Thanh Hương, Trưởng ban Tuyên giáo An Giang hỏi về vướng mắc, giải pháp khi gói này mới giải ngân 100 tỷ, trong khi nhu cầu nhà ở, theo bà rất lớn.
Giải trình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nói tiền cho gói này đến từ nguồn huy động vốn trong dân, với lãi suất ưu đãi từ nguồn tài chính của các ngân hàng tham gia. Ngân hàng Nhà nước đã hướng dẫn các nhà băng và họ đã giải ngân 105 tỷ đồng cho 3 dự án tại 3 địa phương, tới cuối tháng 10.
Việc giải ngân gói này tắc, theo bà Hồng, trước tiên do nguồn cung về nhà ở hạn chế. Khi chính sách được ban hành, Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị UBND các tỉnh quan tâm, công bố dự án thuộc chương trình cho vay nhưng mới có 18/63 UBND công bố 53 dự án với nhu cầu vay 27.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nhu cầu nhà ở cho người thu nhập, công nhân rất lớn nhưng nhu cầu vay vốn là sự cân nhắc của người dân và theo bà Hồng hiện cũng thấp. Chưa kể, chính sách về đối tượng được hưởng còn bất cập, cần phải là người có thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân, chưa có nhà ở…
Tranh luận sau đó, ông Nguyễn Anh Trí, nguyên Giám đốc Bệnh viện Huyết học truyền máu Trung ương, nhận xét bà Hồng trả lời đúng nhưng bổ sung thêm là không chỉ cần ngân hàng vào cuộc mà cần cả hệ thống, gồm Bộ Xây dựng, địa phương, công đoàn, các cơ quan, đơn vị và người lao động từ bố trí địa điểm, diện tích, chất lượng, mức giá. Từ đó, theo ông, mới đáp ứng yêu cầu người lao động và thực hiện được chủ trương theo ông là đúng và nhân văn của Chính phủ.
“Mong Thủ tướng chỉ đạo để đạt được thống nhất, cùng nhau làm thì mới thành công”, GS Trí nói.
Chưa thể bỏ hạn mức tín dụng
Cũng chất vấn Thống đốc nhưng bà Trần Thị Vân, Phó trưởng đoàn chuyên trách tỉnh Bắc Ninh, quan tâm giải pháp đạt được chỉ tiêu tín dụng hằng năm, khi sau 9 tháng đầu năm chỉ đạt 5,91%. “Đề nghị Thống đốc cho biết nguyên nhân và giải pháp để tăng trưởng tín dụng đạt 14% như mục tiêu đề ra trong khi chỉ còn hai tháng nữa là hết năm 2023”, bà Vân hỏi.
Trả lời, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói đã từng giải trình trước đó khi thảo luận về kinh tế – xã hội. Nguyên nhân chủ yếu là nhu cầu tín dụng thấp, doanh nghiệp đơn hàng giảm sút, khả năng khai thác cầu nội địa khó khăn do người dân khó khăn sau đại dịch Covid-19. Về phần mình, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo rút ngắn thủ tục cho vay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Điều kiện tín dụng với doanh nghiệp nhỏ và vừa được cải thiện.
Cũng chất vấn về “tăng trưởng tín dụng” nhưng ông Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Halcom Việt Nam, lại nhắc lời hứa “bỏ ‘room’ tín dụng”. Ông dẫn Nghị quyết Quốc hội yêu cầu nghiên cứu hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng với các ngân hàng và đề nghị cho biết đã triển khai đến đâu.
Thống đốc trả lời, Nghị quyết Quốc hội yêu cầu nghiên cứu cách thức điều hành này nhưng Ngân hàng Nhà nước đã thống nhất “ở thời điểm này chưa thể bỏ cách điều hành phân bổ chỉ tiêu tín dụng”. Bởi hiện nay nhu cầu vốn nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào tín dụng, chưa thể bỏ chỉ tiêu “room” tín dụng trong khi tỷ lệ tăng trưởng tín dụng Việt Nam trên GDP đang ở mức cao theo cảnh báo của WB.
“Chúng tôi tiếp tục điều hành bằng cách này đến khi các phân khúc khác của thị trường tài chính như trái phiếu doanh nghiệp đáp ứng được nhu cầu, việc bỏ cách điều hành phân bổ chỉ tiêu tín dụng sẽ khả thi hơn”, Thống đốc cho hay.
Không đồng tình với trả lời của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch thường trực tỉnh Quảng Trị, đề nghị cho biết liệu duy trì chỉ tiêu tín dụng có tạo cơ chế xin cho và nảy sinh tiêu cực hay không và khi nào mới bỏ được.
Ông Phạm Văn Hòa lại bày tỏ lo lắng khi hiện có 4 ngân hàng thương mại cổ phần đang bị kiểm soát đặc biệt. “Liệu tới đây có hay không một SCB nữa”, ông hỏi.
Những vấn đề đại biểu Đồng, Hòa nêu sẽ được Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tiếp tục trả lời vào chiều 6/11.
Vì sao chưa bỏ bảo hiểm xe máy bắt buộc?
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cũng nhận nhiều chất vấn trong sáng 6/11, trong đó có về bảo hiểm bắt buộc với xe máy.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc nói cử tri nhiều lần phản ánh mua bảo hiểm trách nhiệm bắt buộc với xe máy chưa mang lại lợi ích thiết thực bởi thủ tục bồi thường khó khăn, phức tạp. Mua bảo hiểm này chủ yếu để cơ quan chức năng không phạt. “Bộ trưởng Tài chính có giải pháp gì để bảo hiểm xe máy mang lại lợi ích cho người dân. Ông nghĩ sao về ý kiến đề xuất không bắt buộc mua bảo hiểm xe máy mà để người dân tự nguyện”, bà Phúc hỏi.
Trả lời, ông Phớc nói bảo hiểm xe cơ giới được quy định tại các luật Giao thông đường bộ và Luật bảo hiểm nên mang tính bắt buộc. Thời gian qua, tai nạn xe máy chiếm 64% các vụ tai nạn giao thông. Từ năm 2021 đến 9/2023, các công ty bảo hiểm chi trả cho các vụ tai nạn xe máy gần 2.300 tỷ đồng. “Điều này thể hiện các quy định đã bảo vệ người lái xe máy. Họ đa số là người nghèo”, ông nói. Tức nếu bị tai nạn được chi trả tối đa 150 triệu đồng. Xe bị tai nạn được chi trả 50 triệu.
Về giải pháp tạo thuận lợi việc chi trả, Bộ trưởng cho biết đã có các hướng dẫn, trong ba ngày phải chi trả cho người dân bị tai nạn. Nếu người dân bị ảnh hưởng tính mạng mới cần biên bản hồ sơ của công an. Nếu không, chỉ cần hình ảnh là công ty bảo hiểm phải chi trả.
Chiều 6/11, ba Bộ trưởng Tài chính, Kế hoạch & Đầu tư và Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tiếp tục trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội.
Hoài Thu – Viết Tuân – Sơn Hà
Xem diễn biến chính