Ngày 4/7, các quan chức của Venezuela và Ấn Độ đã thảo luận nhiều vấn đề song phương cùng quan tâm cũng như ý định gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS của quốc gia Nam Mỹ này.
BRICS hiện chiếm hơn 45% dân số thế giới và 1/3 GDP toàn cầu. (Nguồn: BRICS TV) |
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Venezuela Yván Gil cho biết, ông và Đại sứ của Ấn Độ tại Caracas Shri P K đã xem xét nhiều vấn đề còn vướng mắc trong hợp tác song phương, như các lĩnh vực năng lượng tái tạo, thương mại, đầu tư và ý định tham gia BRICS.
Venezuela hy vọng có thể gia nhập BRICS trong năm nay với tư cách là thành viên chính thức tại hội nghị thượng đỉnh sẽ được tổ chức vào tháng 10 ở Nga và qua đó cung cấp cho các quốc gia trong khối này những nguồn tài nguyên thiên nhiên để thúc đẩy các dự án phát triển kinh tế chung.
Theo Tass, phát biểu tại một hội thảo kinh tế quốc tế ở Caracas hôm 20/6, Phó Tổng thống Venezuela Delcy Rodriguez cho biết thêm, Venezuela có trữ lượng nhiên liệu lớn nhất thế giới.
“Với sản lượng 3 triệu thùng dầu mỗi ngày, trữ lượng của chúng tôi sẽ đủ dùng trong gần 3 thế kỷ”, bà Rodriguez cho biết.
Ngoài ra, Venezuela cũng có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn thứ tư thế giới. Hơn nữa, nước này còn có trữ lượng quặng sắt, than đá, vàng và kim cương.
“Bước ngoặt trong quá trình hình thành trật tự thế giới mới đã đến và chúng tôi muốn thấy Venezuela trở thành một phần của thực tế địa chính trị mới”, Phó Tổng thống Rodriguez khẳng định.
Trước Venezuela, Cuba đã lên tiếng xác định BRICS là nhân tố địa chính trị toàn cầu chủ chốt.
Phát biểu tại phiên họp mở rộng của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm BRICS năm 2024, diễn ra tại thành phố Nizhny Novgorod, Liên bang Nga vừa qua, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodríguez đã nêu bật sự cần thiết và tính chiến lược của việc mở rộng nhóm BRICS, hiện đã có 10 thành viên là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Saudi Arabia, Ai Cập, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UEA), Ethiopia và Iran, chiếm hơn 45% dân số thế giới và 1/3 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.
Ngoại trưởng Bruno Rodríguez nhấn mạnh: “Thế giới rất cần một sự chung sống văn minh mới, trong đó sự đoàn kết, hợp tác và hội nhập giữa các quốc gia chiếm ưu thế. BRICS có thể đóng góp đáng kể cho nhu cầu lịch sử này của Nam Bán cầu, đặc biệt là trên con đường hướng tới cải cách cần thiết hệ thống tài chính quốc tế hiện nay vốn vô cùng bất công, phi dân chủ, đầu cơ và độc quyền”.
Nguồn: https://baoquocte.vn/quoc-gia-co-tru-luong-dau-lon-nhat-the-gioi-muon-gia-nhap-brics-ngay-trong-nam-nay-de-khong-bo-lo-dieu-nay-277549.html