Nhận định trên được Tổng thống Latvia Edgars Rinkevics bày tỏ trong cuộc phỏng vấn với tờ Politico.
Theo ông Rinkevics, những hạn chế hiện tại đối với việc Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây “không dựa trên bất kỳ cách tiếp cận hợp lý hay thực dụng nào” và cần được dỡ bỏ tại hội nghị thượng đỉnh NATO, diễn ra từ ngày 9-11/7 tại Washington.
“Tất cả chúng tôi đều hiểu rằng nếu bạn thực sự muốn giành chiến thắng trong cuộc chiến thì bạn phải có cơ hội tấn công các mục tiêu nằm ở đó, kể cả sâu trong lãnh thổ Nga, với điều kiện đây là những mục tiêu quân sự hợp pháp”, Tổng thống Rinkevics nói.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken xác nhận Tổng thống Biden đã đồng ý cho phép Ukraine tấn công bằng vũ khí Mỹ trên lãnh thổ Nga.
“Chúng ta chỉ đang nói về việc pháo kích vào các khu vực của Nga gần Kharkov”, ông Biden chỉ ra. Đồng thời, ông không loại trừ khả năng phạm vi tấn công bằng vũ khí Mỹ vào lãnh thổ Nga sẽ tăng lên. Tuy nhiên, hiện chưa có sự thống nhất giữa các nước phương Tây về vấn đề hạn chế sử dụng vũ khí của họ ở Ukraine.
Trong khi đó, Tổng thống Putin cảnh báo, nếu quốc gia của ông hứng chịu các cuộc tấn công bằng vũ khí tầm xa của phương Tây, nước này có thể cung cấp vũ khí cùng loại cho các bên/quốc gia có thể sử dụng chúng để chống lại tài sản quân sự của phương Tây. Ông nói thêm rằng, đường hướng này có thể dẫn đến những kết quả rất nguy hiểm.
Về phía Kiev, quân đội Ukraine cho biết đã tiến hành cuộc không kích đầu tiên vào lãnh thổ mà nước này công nhận là của Nga.
Hãng tin Sky News dẫn nguồn tin quân sự Ukraine cho hay, hôm 9/6, một máy bay chiến đấu của Ukraine đã lần đầu tiên tấn công vào lãnh thổ Nga. Vụ tấn công khiến một trung tâm chỉ huy quân sự của Nga ở thành phố biên giới Belgorod bị hư hại.
“Chúng tôi tiếp tục đánh giá thiệt hại của đối phương, song đây được xác nhận là một đòn đánh trực tiếp. Lần đầu tiên, quân đội Ukraine không kích mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga“, nguồn tin cho biết.
Nga chưa đưa ra bình luận về tuyên bố trên của Ukraine, nhưng nếu được xác nhận, đây sẽ là vụ tấn công trên không đầu tiên kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022.
Không có thêm thông tin chi tiết nào được chia sẻ với hãng tin Sky News – bao gồm loại vũ khí và các vấn đề liên quan. Nga có ưu thế trên không ở tiền tuyến và mạng lưới phòng không rộng khắp, điều này khiến Ukraine gặp rủi ro cao khi vận hành các thiết bị không quân.
Nguồn: https://congthuong.vn/quoc-gia-chau-au-muon-nato-do-bo-han-che-tan-cong-lanh-tho-nga-325634.html