“100 đồng vốn, 50 đồng lời”
Trong tuần giao dịch thứ hai của năm 2024, cổ phiếu ngân hàng đóng vai trò “trụ đỡ” của VN-Index khi đồng loạt tăng mạnh nhờ dòng tiền chảy vào cuồn cuộn. Một số mã thậm chí còn lập kỷ lục về thị giá cũng như vốn hóa thị trường. Dù vậy, nếu xét về khả năng sinh lời, nhiều “em bé hạt tiêu” mới thực sự tỏa sáng.
Giao dịch trên UpCOM nên cổ phiếu CPA của Công ty cổ phần Cà phê Phước An có biên độ rất lớn. Chỉ sau 3 phiên tăng trần liên tiếp, CPA tăng 2.100 đồng/CP, tương đương 45,7%. Có thể thấy, CPA đạt mức siêu lợi nhuận, 100 đồng vốn thu về gần 50 đồng lời chỉ sau 5 phiên giao dịch.
Đáng chú ý, CPA bứt tốc khi cổ phiếu này không có thông tin nào hỗ trợ.
Sau 1 tuần giao dịch, cổ phiếu DVW của Công ty Cổ phần Dịch vụ và Xây dựng Cấp nước Đồng Nai tăng 4.300 đồng/CP, tương đương 40% lên 15.100 đồng/CP. Đáng chú ý, tất cả thành tích này được thực hiện trong 1 phiên duy nhất (9/1). Ở các phiên còn lại, DVW không phát sinh giao dịch và đóng cửa ở giá tham chiếu.
Có diễn biến giao dịch y hệt DVW là cổ phiếu DLD Công ty Cổ phần Du lịch Đắk Lắk. Đóng cửa phiên 9/1, DLD tăng trần, tăng 2.100 đồng/CP, tương đương 38,9% lên 7.500 đồng/CP. Đây cũng là phiên duy nhất DLD ghi nhận biến động giá. Ở các phiên còn lại, DLD đều đóng cửa ở giá màu vàng.
3 cổ phiếu có đà tăng mạnh nhất tuần này là CPA, DVW và DLD. Cả 3 mã này đều giao dịch trên UpCOM. Đứng ở vị trí thứ tư là một mã niêm yết trên HNX. Đó là cổ phiếu KTT của Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư KTT. Đóng cửa tuần, KTT dừng ở mức 4.000 đồng/CP sau khi tăng 1.100 đồng/CP, tương đương 39,9%.
Đứng cuối trong Top 5 cổ phiếu tăng mạnh nhất tuần này là BRR của Công ty Cổ phần Cao su Bà Rịa với đà tăng 5.600 đồng/CP, tương đương 34,6% lên 21.800 đồng/CP.
Chỉ tăng cho “vui”, không mấy người hưởng lợi
Có thể thấy, với đà tăng từ 34,6% tới 45,7% chỉ sau 1 tuần, Top 5 các cổ phiếu bứt phá mạnh nhất tuần qua hứa hẹn sẽ mang lại lợi nhuận khủng cho nhà đầu tư. Thế nhưng, trên thực tế, rất ít người được hưởng thành quả này vì các mã kể trên chỉ tăng cho… “vui” bởi thanh khoản vô cùng thấp.
Là cổ phiếu sôi động nhất tuần này nhưng thanh khoản của KTT khá khiêm tốn, dao động từ 6.200 đơn vị tới 77.400 đơn vị mỗi phiên. Giá trị cổ phiếu mà cổ đông tham gia giao dịch nhận được mỗi phiên chỉ là 4,8 triệu đồng tới 23,2 triệu đồng.
Thanh khoản của BRR thậm chí còn khiêm tốn hơn KTT rất nhiều. Khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên gần đây của BRR chỉ là… 1.720 đơn vị, chỉ chiếm 0,002% tổng khối lượng cổ phiếu đang lưu hành.
Là cổ phiếu tăng mạnh nhất trong tuần nhưng sau 3 phiên tăng trần, giá trị cổ phiếu được hưởng đà tăng đó chỉ là hơn… 4 triệu đồng. Cụ thể, cổ đông hưởng lãi 360.600 đồng (phiên 10/1), 94.500 đồng (phiên 11/1) và 3,7 triệu đồng (phiên 12/1).
Giá trị sinh lời của 2 mã còn lại là DVW và DLD thậm chí còn thấp hơn rất nhiều, chỉ đủ chi trả cho một bữa buffet.
Với DVW, trong tuần, cổ phiếu này chỉ phát sinh giao dịch trong một ngày duy nhất (9/1) với tổng khối lượng giao dịch ở mức tối thiểu: 100 cổ phiếu, tương đương. Nghĩa là giá trị thặng dư mã này mang lại chỉ là… 430.000 đồng.
Có diễn biến tương tự DVW là DLD. Trong ngày 9/1, tổng giá trị giao dịch tăng thêm của mã này chỉ là… 210.000 đồng.
Có thể thấy, các cổ phiếu có đà tăng mạnh nhất thời gian qua chủ yếu là những mã có quy mô vốn thấp, thanh khoản vô cùng thấp và không nhận được sự quan tâm từ giới đầu tư. Đây là những mã muốn mua vào đã khó (vì không có người bán ra), muốn bán ra lại càng khó hơn (vì không có người mua vào).
Vì vậy, đây là những mã mà các chuyên gia chứng khoán khuyên không nên giao dịch.