Sự kết hợp màu sắc và các kỹ thuật sơn khác nhau đã biến những chiếc quạt sơn mài của Trung Quốc trở nên độc nhất vô nhị.
Thời gian gần đây, những chiếc quạt sơn mài kết hợp với kỹ thuật đặc biệt đang trở nên phổ biến ở Trung Quốc. Từ Nam Kinh đến Dương Châu, từ Tô Châu đến Từ Châu, dễ dàng bắt gặp các du khách cầm những chiếc quạt sơn mài với nhiều màu sắc khác nhau chụp ảnh ở các danh lam thắng cảnh…
Quạt sơn mài. (Nguồn: Xiaohongshu) |
Đòi hỏi sự khéo tay, tỉ mỉ, sáng tạo
Quạt sơn mài được làm thủ công bởi sự kết hợp sử dụng quạt cầm tay và kỹ thuật sơn nổi – đặc tính không tan trong nước của sơn.
Đây là nghệ thuật bắt nguồn từ văn hoá dùng quạt và sơn mài truyền thống của người Trung Quốc thời nhà Hán.
So với các bước kỹ thuật phức tạp của nghệ thuật sơn mài thủ công, quạt sơn mài đơn giản và các thao tác tinh gọn hơn nhiều.
Để tạo ra quạt sơn mài cần có chiếc quạt cầm tay (quạt gấp hoặc quạt tròn) kết hợp với sơn mài tự nhiên từ cây sơn mài – một loài cây rụng lá có nguồn gốc ở phía Nam Trung Quốc.
Sơn mài tự nhiên thường có sản lượng thấp bởi một cây trong suốt vòng đời chỉ có thể sản xuất được khoảng 10kg sơn mài thô. Vì vậy, để tiết kiệm chi phí, một số doanh nghiệp lựa chọn sơn hạt điều – loại sơn tổng hợp chứa chất phenol và metanol.
Đa dạng các loại màu sơn mài. (Nguồn: Summer Kitchen) |
Có nguyên liệu đầy đủ, người làm chỉ cần thực hiện các bước: chọn màu sơn yêu thích và thả sơn vào nước, sử dụng que gỗ để khuấy lớp sơn lan dần trên bề mặt nước, nhúng mặt quạt vào trong nước và nhẹ nhàng di chuyển mặt quạt.
Với sự chuyển động gợn sóng của nước, mặt quạt sẽ dần dần hiện lên hoa văn một cách tự nhiên như hình ngôi sao, bầu trời, hình sông, biển, núi…
Người Trung Quốc gọi công đoạn làm quạt sơn mài là “lấy sơn làm bút, lấy quạt làm giấy, một nửa do người, một nửa do trời”. Nghệ thuật này cũng đòi hỏi sự khéo tay, tỉ mỉ, sáng tạo và trí tưởng tượng phong phú.
Do tính chất ngẫu nhiên của dòng nước, người làm quạt sơn mài sẽ tạo ra những chiếc quạt không giống nhau. Chính sự không thể đoán trước này giúp những chiếc quạt trở nên đặc biệt, thu hút sự chú ý của nhiều người.
Triết lý sống “thuận theo tự nhiên”
Có thể thấy, nghê thuật làm quạt sơn mài thể hiện rõ lối sống và triết lý trong văn hoá của người Trung Quốc. Từ thời xa xưa, triết học Trung Quốc đã xuất hiện những tư tưởng “thuận theo tự nhiên”, tiêu biểu là Lão Tử – tác giả sách Đạo Đức Kinh, truyền dạy về thuyết “Vô vi” – có nghĩa không làm gì, để sự việc phát sinh một cách tự nhiên trong sự hòa hợp.
Lão Tử dùng đạo “vô vi nhi vô bất vi” (hiểu nôm na là không làm gì mà thấy không việc gì thì không nên làm) chỉ những người am hiểu quy luật trời đất, sống hòa mình vào thiên nhiên, tỉnh tâm khoáng đạt.
Theo ông, con người sống trong trời đất cần “người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo đạo, đạo thuận theo tự nhiên”.
Tương tự, với nghệ thuật làm quạt sơn mài, khi đang thực hành làm quạt, người làm cần phải dựa vào sự chuyển động của dòng nước để màu sơn mài thấm vào mặt quạt. Chỉ sau khi được nhấc khỏi mặt nước, mới có thể thấy rõ được hoa văn trên mặt quạt.
Công đoạn nhúng quạt vào nước sơn mài. (Nguồn: Summer Kitchen) |
Mỗi chiếc quạt đều có những hình ảnh, màu sắc khác biệt và phải dựa theo hướng nước chảy thì màu sơn mài trên mặt nước mới có thể dễ dàng ngấm vào, tô điểm cho chiếc quạt thô trở nên đẹp đẽ hơn.
Giống với cuộc đời con người, trong tư tưởng triết học của Lão Tử, sống nhận thức được quy luật của tự nhiên, không cưỡng cầu, tận tâm tận sức làm mà không truy cầu kết quả.
Sự phổ biến nhanh chóng của quạt sơn mài đã cho thấy sức sống mạnh mẽ của văn hóa truyền thống Trung Quốc. Nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc hiện nay cũng đang quảng bá mạnh mẽ quạt sơn mài như một sản phẩm văn hóa du lịch sáng tạo, độc đáo và tiện lợi.
Nguồn: https://baoquocte.vn/quat-son-mai-san-pham-nghe-thuat-thu-cong-doc-dao-o-trung-quoc-272316.html