Biến đổi khí hậu (BĐKH) thực sự là một thách thức lớn cho sự phát triển bền vững, trong đó, nông nghiệp là lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất, Do đó, để nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững thì việc nghiên cứu, đưa ra các phương pháp canh tác nông nghiệp thông minh, thích ứng với BĐKH là yêu cầu cấp thiết.
Mô hình sản xuất giống đậu xanh 12ĐX02 cho năng suất cao, rất phù hợp với vùng đất bãi bồi ven sông -Ảnh: L.N
Để nâng cao khả năng thích ứng với BĐKH và giảm rủi ro do thiên tai, bảo đảm phát triển bền vững trong nông nghiệp, tỉnh Quảng Trị đã chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình, đề ra nhiều sáng kiến, giải pháp về mô hình sinh kế. Từ đó góp phần đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đa dạng hóa cây trồng, sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trong điều kiện thời tiết bất lợi.
Trong đó có nhiều sáng kiến, giải pháp về mô hình sinh kế nhằm thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Từ năm 2021 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã liên kết với Công ty cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị sản xuất gần 40ha lúa hữu cơ, sử dụng mạ khay máy cấy, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Nhờ áp dụng đồng bộ các khâu trên đã giúp cho người sản xuất lúa hữu cơ chủ động về thời vụ, giải phóng sức lao động, đồng thời tăng thu nhập thực tế.
Nhằm nâng cao kỹ thuật canh tác, đưa các giống lúa, giống đậu xanh mới có năng suất, chất lượng tốt bổ sung vào cơ cấu giống cây trồng các mùa vụ trên địa bàn tỉnh, năm 2024, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với Viện cây lương thực và cây thực phẩm (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) tiến hành chuyển giao, tiếp nhận tiến bộ kỹ thuật, xây dựng mô hình sản xuất giống lúa Gia Lộc 26, Gia Lộc 35 và giống đậu xanh 12ĐX02 tại một số địa phương trên địa bàn.
Kết quả bước đầu cho thấy, cả hai giống lúa Gia Lộc 26 và Gia Lộc 35 đều có sự thích nghi, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết tại những vùng sản xuất, cho năng suất khá cao và cao hơn so với giống có đặc điểm tương đương tại địa phương. Giống đậu xanh 12ĐX02 có kiểu hình quả vươn lên tầm của tầng lá nên dễ thu hoạch hơn, thời gian sinh trưởng ngắn, rất phù hợp với đất bãi bồi ven sông hay đất lúa thiếu nước trong vụ hè thu đều cho năng suất cao, có thể đạt 1,8-2 tấn/ha, đem lại lợi nhuận 25-30 triệu đồng/ha.
Cũng trong vụ hè thu năm 2024, nhằm phát triển cơ giới hóa trong sản xuất lúa, đặc biệt là khâu gieo cấy, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai thực hiện mô hình “Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ bằng phương pháp sạ cụm kết hợp bón vùi phân, liên kết tiêu thụ sản phẩm”. Đây là mô hình tiến bộ kỹ thuật mới lần đầu tiên triển khai tại Quảng Trị nhưng kết quả đã đạt rất khả quan trên cả 3 mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Gieo sạ cụm giúp hạn chế lúa đổ, ngã khi gặp gió, mưa lớn vào giai đoạn trỗ, chín, đồng thời tăng khả năng chịu hạn cho ruộng lúa nếu gặp hạn, nhất là vụ hè thu…
Cùng với đó, mô hình chuyển đổi đất lúa thiếu nước vụ hè thu sang trồng ngô sinh khối bằng các giống ngô biến đổi gen phù hợp để gieo trồng trên đất lúa thiếu nước trong vụ hè thu. Mô hình trồng lạc phủ bạt nilon thích ứng với BĐKH làm tăng khả năng chống hạn, giữ ẩm, hạn chế cỏ dại, sâu bệnh gây hại và giảm lượng nước tưới, tăng hiệu quả kinh tế.
Mô hình nuôi giống gà chịu nhiệt 18M1 theo hướng an toàn sinh học bước đầu cho hiệu quả kinh tế khá cao -Ảnh: L.N
Trong chăn nuôi cũng xuất hiện nhiều mô hình sinh kế thích ứng với BĐKH, ứng phó với thiên tai, đơn cử như mô hình nuôi giống gà chịu nhiệt 18M1 theo hướng an toàn sinh học. Đây là một trong những giải pháp sinh kế thiết thực cho người chăn nuôi nhằm thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai. Hay mô hình chăn nuôi bò thịt thâm canh xây dựng theo hướng nông nghiệp tuần hoàn; mô hình chăn nuôi một số giống vật nuôi bản địa có lợi thế vùng miền (gà bản địa, lợn Vân Pa) tại địa bàn miền núi giúp người dân tăng thu nhập, bảo tồn nguồn giống chất lượng, giống chống chịu hạn, chịu được môi trường khó khăn, khắc nghiệt của thiên nhiên và khả năng đề kháng cao với dịch bệnh…
Trong lĩnh vực thủy sản có các mô hình tiêu biểu như dự án sản xuất thử nghiệm nuôi thâm canh cá chim vây vàng theo hướng VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm thuộc chương trình khoa học công nghệ năm 2022; mô hình nuôi xen ghép tôm-cua-cá… Những năm gần đây, Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng các mô hình nuôi tôm 2 và 3 giai đoạn đối với tôm thẻ và tôm sú. Kết quả đạt được giúp người dân hạn chế được dịch bệnh trong giai đoạn nuôi đầu, chi phí đầu vào thấp, sản lượng nuôi trồng tăng và rút ngắn thời gian nuôi…
Việc phát triển các mô hình, chương trình sinh kế thích ứng với BĐKH được xem là “chìa khóa” giúp phát triển sinh kế bền vững và giảm thiểu rủi ro do thiên tai tại cộng đồng. Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ chú trọng công tác truyền thông để nâng cao nhận thức, kiến thức, năng lực cho người dân về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.
Đồng thời đề xuất thực hiện các mô hình sinh kế như mô hình sản xuất lúa hữu cơ, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ bằng phương pháp sạ cụm kết hợp bón vùi phân; tiếp tục có hướng đầu tư, xây dựng các mô hình chăn nuôi bò, dê, lợn, gà vịt với việc áp dụng các giải pháp về kỹ thuật chăn nuôi, giải pháp về giống, giải pháp về thức ăn nhằm đem lại hiệu quả cho người chăn nuôi ở các vùng hay bị ảnh hưởng của các đợt thiên tai, hạn hán, lũ lụt.
Cùng với đó, để chủ động thích ứng với BĐKH, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh tái cơ cấu, thực hiện các giải pháp nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH; phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái thân thiện với môi trường.
Đồng thời, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và khai thác thủy sản bền vững, nâng cao khả năng chống chịu của nông nghiệp BĐKH ở từng khu vực. Phát triển các mô hình sinh kế bền vững, chú trọng đào tạo, chuyển đổi nghề và hỗ trợ công nghệ, tiếp cận các nguồn vốn cho người dân ở những vùng chịu nhiều rủi ro, dễ bị tổn thương trước tác động của BĐKH.
Lệ Như
Nguồn: https://baoquangtri.vn/xay-dung-cac-mo-hinh-sinh-ke-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau-189476.htm