Bà con các xã Xà Bang, Cù Bị, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đón tôi trước cổng trụ sở Nông trường Cao su Xà Bang với nụ cười rám nắng, vòng ôm khỏe khoắn và giọng nói đậm chất Quảng Trị: “Con vô khi mô ri, quê miềng chừ răng ngoài hè, ở lại ăn cơm với bà con hi”. Tôi lâng lâng trong cảm xúc của một người con Quảng Trị thăm đồng hương ở một làng quê thuộc vùng Đông Nam Bộ.
“Có người Quảng Trị mới có Nông trường Cao su Xà Bang”
“Năm 1977, người Quảng Trị vào vùng đất Xà Bang này mới có Nông trường Cao su Xà Bang ngày nay”, nhiều cán bộ lãnh đạo của Công ty Cao su Đồng Nai và người dân Xà Bang khẳng định với chúng tôi như vậy.
Ông Nguyễn Chơn Lộc, Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Trị tại xã Xà Bang kể lại ngày đầu vào lập nghiệp -Ảnh: M.T
Trước năm 1975, Xà Bang là một phân sở trực thuộc Đồn điền cao su Bình Ba của người Pháp, diện tích chừng 300 ha. Có một số người dân Quảng Trị được chủ đồn điền ra tận quê tuyển mộ vào làm thuê. Trong giai đoạn từ 1972 – 1975, Xà Bang trở thành “vùng trắng”, dân cư tứ tán. Sau khi Nhà nước tiếp quản cho phục hồi sản xuất, có 24 gia đình từ làng Đơn Quế, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng, vào “đầu quân” cho xã Xà Bang.
Ông Hoàng Phước Luật (87 tuổi), ấp Bàu Sen, xã Xà Bang, là một trong số 24 gia đình từ làng Đơn Quế vào Xà Bang vào tháng 2/1977. Ông Luật nhớ lại: Thời điểm đó, quê hương Quảng Trị quá khó khăn. Lúc đó, tôi gặp ông Lê Sa Ky là người ở làng Bích La, huyện Triệu Phong. Ông Ky (Ban giám đốc Công ty Cao su Đồng Nai), nói nếu ai có nguyện vọng vào Nam lập nghiệp thì ông nhận vào làm công nhân cao su Đồng Nai. Thế là tôi vận động được 24 gia đình với gần 200 lao động lên đường Nam tiến.
Ông Ky đưa cả mấy gia đình xuống đội công nhân cao su thuộc xã Xà Bang. Đội công nhân này thuộc Nông trường Bình Ba của Công ty Cao su Đồng Nai với vài chục công nhân chưa lành nghề trồng và chăm sóc cao su. Sau khi tiếp nhận gần 200 công nhân Quảng Trị vào tháng 2, thì tháng 3/1977 thành lập Nông trường Cao su Xà Bang với 80% công nhân là người Quảng Trị.
Thế mới có câu chuyện “có người Quảng Trị mới có Nông trường Cao su Xà Bang”. Lại thêm một điều thú vị là ngay sau khi thành lập Nông trường Cao su Xà Bang, ông Hoàng Phước Luật được phân công làm tổ trưởng tổ sản xuất và chỉ hai năm sau giữ chức Phó Giám đốc Nông trường Cao su Xà Bang.
Ông Nguyễn Chơn Lộc, Phó Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Trị huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết: “Thời điểm người Quảng Trị đến Xà Bang đông nhất là các năm 1977 – 1980, dân nhiều nhất là các làng Đơn Quế, Cổ Lũy, Hội Yên thuộc huyện Hải Lăng và thôn Lệ Xuyên, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong. Các làng trên nay đã xây dựng nhà thờ làng để phụng thờ các vị khai canh khai khẩn ở quê nhà, nói lên được tinh thần ly hương không ly tổ, “uống nước nhớ nguồn”.
Thời đó, muốn được thu tuyển làm công nhân, mọi người phải trải qua giai đoạn hợp đồng khai hoang, mỗi gia đình nhận ít nhất 1 ha đất rừng để khai hoang với số tiền được nhận là 200 đồng/ha. Đa số người dân không quen công việc phát thực bì, trồng và chăm sóc cao su nhưng vốn chuyên cần, chịu khó, vừa học, vừa làm nên người Quảng Trị đã vượt qua khó khăn ban đầu để dần thạo việc.
Rừng cao su mang tên Bác Ba Lê Duẩn
Hiếm có địa phương nào như xã Xà Bang vinh dự được Tổng Bí thư Lê Duẩn đến thăm 2 lần trong năm 1982. Điều này minh chứng tầm quan trọng của vùng đất thuận lợi cho việc phát triển cây cao su và tầm nhìn thiên tài của Tổng Bí thư Lê Duẩn đối với sản phẩm “vàng trắng” sau này.
Một góc xã Cù Bị với rừng cao su xanh tốt -Ảnh: M.T
Tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam hiện vẫn lưu giữ rất nhiều tài liệu có giá trị về những chỉ đạo sáng suốt, kịp thời, mang tầm vóc chiến lược của Tổng Bí thư Lê Duẩn đối với sự phát triển của ngành cao su Việt Nam.
Một tài liệu ghi lại sự kiện như sau: năm 1945, bám gót đội quân viễn chinh xâm lược, các công ty tư bản Pháp quay trở lại Việt Nam và khai thác cao su trở thành một trong những chính sách quan trọng được áp dụng. Liên hiệp nghiệp đoàn Nam Bộ đề ra nhiệm vụ cụ thể cho các liên đoàn cao su mở “mặt trận cao su chiến” để phá hoại kinh tế địch. 100% đồn điền ở miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên đều tổ chức phá hoại cao su.
Tuy nhiên tại Hội nghị công nhân toàn xứ Nam Bộ (ngày 5- 6/5/1948), sau khi nghe báo cáo của Liên hiệp nghiệp đoàn Nam Bộ về kết quả “mặt trận cao su chiến”, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ Lê Duẩn bên cạnh biểu dương thành tích đã đạt được đã yêu cầu thay đổi phương thức phá hoại kinh tế của địch.
Ông nói: “Cao su là tài nguyên của đất nước, do xương máu của công nhân xây dựng nên. Khi chúng ta giành được độc lập, đó sẽ là nguồn tài sản to lớn để làm giàu cho đất nước. Tôi đề nghị, công tác phá hoại cao su từ nay không đốt vườn cây, chặt hoặc vạt vỏ cây mà chuyển sang làm giảm tốc độ sản xuất, giảm mức thu hoạch thành phẩm và lợi nhuận của tư bản Pháp như đập bể chén hứng mủ, bẻ gãy máng mủ, đốt mủ, đổ mủ xuống đất, phục kích thiêu hủy các đoàn xe chở mủ cao su từ các đồn điền về Sài Gòn để xuất khẩu”.
Chỉ đạo của Bí thư Xứ ủy Nam Bộ Lê Duẩn đã kịp thời định hướng hoạt động phá hoại kinh tế địch của quân và dân Nam Bộ không chỉ trên lĩnh vực cao su mà ở cả các ngành kinh tế khác sau đó. Nhờ thế, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, chúng ta tiếp quản, quản lý được gần 45.000 ha cao su, làm cơ sở ban đầu để phát triển cao su thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn sau này.
Ông Nguyễn Thanh Bá, xã Cù Bị, nhớ lại: Năm 1983, lần đầu tiên thăm Xà Bang, Cù Bị, bác Lê Duẩn đi thăm một số gia đình công nhân, trong đó có gia đình tôi. Biết tôi là người Quảng Trị, Tổng Bí thư động viên gia đình phấn đấu xây dựng nông trường và ra sức làm kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái trở thành người hữu ích, sau đó ông gọi vợ và con tôi cùng chụp chung tấm hình lưu niệm.
Trước lúc chia tay, Tổng Bí thư Lê Duẩn căn dặn mọi người: Dân Quảng Trị mình có truyền thống dũng cảm, chịu thương, chịu khó, không lùi bước trước gian khổ. Bà con phải đem truyền thống này để xây dựng Xà Bang, Cù Bị thành nông trường cao su kiểu mẫu, gia đình công nhân có đời sống ấm no hạnh phúc, văn minh và tiến bộ. Làm theo lời Tổng Bí thư, Nông trường Cao su Xà Bang đã phấn đấu vươn lên đạt danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1985.
Còn ông Hoàng Phước Luật, nguyên Phó Giám đốc Nông trường Cao su Xà Bang thì kể lại câu chuyện sau: Năm 1982, lần thứ 2 Tổng Bí thư Lê Duẩn vào thăm miền Nam và ghé thăm Nông trường Cao su Xà Bang, bác Ba nói: Tôi rất vui mừng khi trong một thời gian ngắn đã nhận thấy sự đổi thay của đất Xà Bang, Cù Bị và người Quảng Trị. Bà con hãy nhớ, rồi đây, cây cao su sẽ chiếm vị thế quan trọng trong phát triển kinh tế và xây dựng đất nước. Thế nên phải lấp đầy loại cây này trên các diện tích đất hoang hóa cho đến lúc không còn đất để trồng.
Tổng Bí thư Lê Duẩn nhấn mạnh câu “không còn đất để trồng”. Và bây giờ trên địa bàn xã Xà Bang, Cù Bị đã không còn đất để trồng cây cao su. Ông Hoàng Phước Luật lúc đó là đội trưởng đội sản xuất của Nông trường Cao su Xà Bang đứng lên hứa: “Nông trường Cao su Xà Bang nói chung, người dân Quảng Trị nói riêng quyết thực hiện bằng được mong muốn của Tổng Bí thư Lê Duẩn”.
Nói là làm, ông Luật chọn một khu vực khoảng 10 ha đang hoang hóa làm nơi thực hiện công cuộc khai khẩn. Ông gọi các tổ trưởng tới phân công nhiệm vụ cụ thể và huy động hơn 1.000 công nhân tham gia khai hoang, giao khoán mỗi công nhân tự túc trồng 5 cây cao su. Để ghi nhớ lời căn dặn của Tổng Bí thư Lê Duẩn, tập thể cán bộ và công nhân Nông trường Cao su Xà Bang thống nhất đặt tên cho diện tích này là: Rừng cao su Bác Ba Lê Duẩn.
Ấm tình đồng hương
Cứ độ xuân về, Hội đồng hương Quảng Trị tại xã Xà Bang lại tổ chức họp mặt bà con đồng hương đang làm ăn, sinh sống xa quê. Và bao giờ cũng vậy, hàng trăm người dân Quảng Trị nhiều nơi đến dự cuộc họp mặt ấm nồng tình quê này. Những kỷ niệm của buổi đầu lập nghiệp nơi chốn xa lại ùa về trong ký ức mỗi người. Hội đã kết nối người con xa xứ giúp nhau trong cuộc sống và tổ chức nhiều hoạt động nghĩa tình. Từ đó, tạo nên sức mạnh tinh thần cùng vượt qua bao khó khăn của cuộc sống. Trở thành nơi hội tụ của những người con miền “gió Lào cát trắng” Quảng Trị.
Hai xã Xà Bang, Cù Bị có hơn 20 nghìn nhân khẩu, trong đó người dân Quảng Trị chiếm số lượng đông nhất, nhiều ấp có 70% – 80% số dân là người Quảng Trị. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của người dân ở xã Xà Bang, Cù Bị đạt trên 78 triệu đồng/người/năm. Đây là hai xã được đánh giá cao về nỗ lực thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. |
Ông Nguyễn Chơn Lộc, Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Trị tại xã Xà Bang cho biết, tháng 2/1998, Hội đồng hương Quảng Trị xã Xà Bang được thành lập. Hiện nay có gần 300 thành viên. 25 năm qua, hội luôn thông tin kịp thời cho bà con xa xứ tình hình ở quê nhà để giúp đỡ nhau lúc khó khăn. Hằng năm, hội đều tổ chức đi quyên góp hàng chục triệu đồng gửi về quê chia sẻ với bà con đang gặp hoạn nạn.
Trước khi chia tay, tôi mạo muội hỏi ông Nguyễn Chơn Lộc: Vậy trên địa bàn xã Xà Bang, Cù Bị, hộ nào nghèo nhất trong số người dân Quảng Trị?
– Vừa rồi tập trung rà soát mấy lần trên địa bàn tìm gia đình người Quảng Trị thuộc diện khó khăn để xây dựng nhà tình thương mà chưa phát hiện ra- giọng ông Lộc đầy tự hào.
Minh Tuấn