Tháng 12/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật “Sống mãi với thời gian” giai đoạn 2022 – 2025 nhằm hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2030) và 85 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2030)…
Các thể loại sáng tác tham gia dự thi phong phú và đa dạng, như: Văn học là tiểu thuyết và trường ca; Sân khấu là Kịch nói, Tuồng, Chèo, Cải lương, Ca kịch; Âm nhạc là giao hưởng, hợp xướng, nhạc kịch; Múa là thơ múa, tổ khúc và kịch múa…
Điều rất đáng mừng rằng, chỉ trong một thời gian ngắn (5 tháng từ khi phát động) ở thể loại Âm nhạc hàn lâm , Opera “ Vầng trăng Him Lam” của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, nhạc sĩ âm nhạc hàng đầu của chúng ta hiện nay đã hoàn thành và tham gia cuộc thi.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chỉ huy dàn nhạc giao hưởng – Ảnh: T.L
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân là con trai nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Anh đến với âm nhạc từ tuổi ấu thơ, trực tiếp do người cha kèm cặp. Tiếp đó anh học piano dưới sự hướng dẫn của nhà sư phạm âm nhạc Thái Thị Liên, rồi đi du học tại Nhạc viện Moskva, tốt nghiệp bằng đỏ với bản Concerto cho violon và dàn nhạc giao hưởng.
Sau này anh có dịp đi học và thực tập tại Nhạc viện Paris – Pháp. Truyền thống gia đình, tài năng thiên phú, cùng quá trình học tập rất bài bản để trau dồi kiến thức âm nhạc và tinh hoa âm nhạc thế giới đã làm nên một chỉ huy âm nhạc, một nhạc sĩ sáng tác âm nhạc tài năng. Tác phẩm khí nhạc của anh đã được biểu diễn tại nhiều nước như: Pháp, Nga, Đức, Nhật, Thái Lan, Singapore, Uzơbeckistan, Latvia, được xuất bản tại Nga và Mỹ (năm 2002).
Trong lĩnh vực nhạc kịch, kế thừa những thành tựu của người cha Đỗ Nhuận là nhạc sĩ khai phá và xây dựng nền nhạc kịch hiện đại ở nước ta ,năm 2016 nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã viết nhạc kich “Lá đỏ” (Âm nhạc: Đỗ Hồng Quân, kịch bản: Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát), mang một luồng sinh khí mới cho nhạc kịch Việt Nam, tiếp bước thế hệ cha anh mình là những người khai phá và đi tiên phong cho sân khấu nhạc kịch Việt Nam.
Ở thời điểm năm 1965, có vở nhạc kịch đầu tiên “Cô Sao” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận; năm 1975, có vở “Người tạc tượng” cũng của Nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Cả một giai đoạn dài như vậy, do điều kiện đời sống xã hội khó khăn nên nên đời sống âm nhạc cũng chưa có tác phẩm lớn, dài hơi. Đến năm 2011, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 844/QĐ-TTCP hỗ trợ các tác phẩm văn học nghệ thuật và báo chí viết về hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ từ 1930 đến nay. Năm 2013, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã chọn mặt gửi vàng “đặt hàng” nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân viết một vở opera. “Lá đỏ” được thông qua hội đồng duyệt rất chặt chẽ, rồi sau đưa vào dàn dựng, biểu diễn tại Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam.
Sự xuất hiện một vở nhạc kịch mới trong đời sống âm nhạc quy mô lớn trước nay chưa từng có, huy động cả dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam với một lượng nghệ sĩ lên đến 80 người, huy động cả Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam với những giọng ca chính, những solist xuất sắc, đoạt giải trong nước cũng như từng tốt nghiệp cao học ở nước ngoài… đã được công chúng nhiệt liệt hoan nghênh và đóng góp rất nhiều vào sự phát triển âm nhạc hiện đại của chúng ta.
Kể từ ngày ấy, 8 năm đã trôi qua, tiếp nối opera “Lá đỏ”, mùa xuân này nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã hoàn thành Opera “Vầng trăng Him Lam” bao gồm 2 màn 6 cảnh, với hàng chục diễn viên trên sân khấu, với nhiều Aria đầy xúc động lòng người. Opera tái hiện lại chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm xưa, với những đại đoàn bộ binh, pháo binh, những đoàn dân công và binh đoàn nghệ thuật tham gia chiến dịch lịch sử, từ khi chiến dịch còn mang bí danh “Trần Đình” cho đến ngày vang khúc khải hoàn “Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về, giữa mùa hoa nở…”.
Phải ghi nhận, Opera “Vầng trăng Him Lam” là một sức sáng tạo nghệ thuật tuyệt vời, một sự “hồi xuân” mạnh mẽ của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, nhắm cột mốc 7/5/2024 phía trước, khi cả nước kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã sáng tác gần như quên ngày đêm, bên cạnh công việc Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cũng rất bận rộn và chi phối rất nhiều thời gian, để rồi màn kết thúc của opera đã hoàn thành vào những ngày đầu xuân này.
Chiến thắng lịch sử lẫy lừng Điện Biên mà cả thế giới ngợi ca; hình ảnh những người chiến sĩ anh hùng, những người nghệ sĩ – chiến sĩ trong đó có chính hình ảnh người cha thân yêu Đỗ Nhuận của nhạc sĩ tham gia chiến dịch đã như một chất men say nồng đầy hứng khởi làm cho nhạc sĩ sáng tác suốt những ngày xuân với hàng trăm trang tổng phổ, với những aria đầy xúc động lòng người. “Ngày 7/5/2024 là tròn 70 năm kỷ niệm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Tôi đã hướng tới ngày đó để Opera “Vầng trăng Him Lam” ra mắt kịp thời và có thể biểu diễn ngay giữa chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia sẻ.
Nhiều nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ là những đồng nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân khi đọc bản thảo và tổng phổ của Opera “Vầng trăng Him Lam” đều ghi nhận: Opera “Vầng trăng Him Lam” của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân thực sự là một sáng tạo nghệ thuật tuyệt vời, một vở opera duy nhất cho đến hôm nay về Điện Biên Phủ và hướng về ngày lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, một điểm sáng của cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật “Sống mãi với thời gian” của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, một sự “hồi xuân” mạnh mẽ trong sáng tác âm nhạc hàn lâm của Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân.
Được biết tới đây, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức “Chuyến hành hương về nguồn qua miền Tây Bắc – Về với Điện Biên” do Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam – nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân dẫn đầu.
Đoàn gồm nhiều thành viên là đại biểu cho các hội trong Liên hiệp, với một hành trình nhiều ý nghĩa, qua các tỉnh Hòa Bình, Sơn La; thăm di tích lịch sử Mường Phăng; dâng hương tại Đền thờ liệt sĩ chiến trường Điện Biên Phủ, Nghĩa trang A1 phường Mường Thanh; tham quan Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, và đặc biệt có một chương trình văn nghệ giao lưu với quân và dân Điện Biên tại sân khấu tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, do các nghệ sĩ tên tuổi của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật Điện Biên; Đoàn Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp biểu diễn…
Trong chương trình nghệ thuật bên Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ giữa Điện Biên lịch sử, rất nên có opera “Vầng trăng Him Lam”, dù chỉ một aria tuyệt vời trong nhạc kịch…
Triệu Phong